Chiều 10/4, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Thành phố Hà Nội.
Theo thông tin từ ban tổ chức, SHS hiện có 44.144 cổ đông với tổng cộng hơn 813 triệu cổ phần. Tổng số cổ đông tham dự trực tiếp và qua ủy quyền là 1.259 người, đại diện cho hơn 422,8 triệu cổ phần, chiếm 51,99% số cổ phần có quyền biểu quyết - đảm bảo điều kiện tiến hành đại hội theo quy định.
SHS không chạy theo việc tăng vốn bằng mọi giá
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Đại hội là SHS dừng phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 1:1.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh cho biết, công ty đã đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố về thị trường cũng như lắng nghe ý kiến từ cổ đông khi quyết định điều chỉnh phương án tăng vốn theo hướng có lợi nhất cho cổ đông, thay vì thực hiện phát hành bằng mọi giá.
Đồng thời, SHS vẫn thực hiện đầy đủ các quyền lợi của cổ đông thông qua chính sách cổ tức hấp dẫn. Trong năm 2025, SHS sẽ thực hiện chi trả 20% cổ tức tiền mặt và cổ phiếu, bao gồm 10% cổ tức bằng tiền mặt, tương đương hơn 813 tỷ đồng; 5% cổ phiếu để trả cổ tức 2023; và 5% cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu.
Vốn điều lệ của SHS theo đó sẽ tăng lên hơn 8.800 tỷ đồng, thay vì vượt 17.000 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.

Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh cho rằng, ngoài nguồn vốn, SHS còn nhiều thế mạnh cạnh tranh khác, việc tăng vốn vẫn là nhu cầu thiết yếu trong chiến lược phát triển của SHS để nắm bắt các cơ hội mới trước bối cảnh thị trường chuẩn bị nâng hạng.
Tuy nhiên, SHS không chạy theo việc tăng vốn bằng mọi giá mà sẽ có lộ trình cụ thể, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng của doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng vốn và lợi ích của cổ đông.
Trong thời gian tới, SHS sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và lựa chọn thời điểm, lộ trình phù hợp để thực hiện các phương án tăng vốn tiếp theo.
Năm 2025, SHS lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.261,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.369,1 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, SHS sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh cho biết, năm nay SHS đặt mục tiêu duy trì tỉ trọng mảng tự doanh và sẽ tăng ở mảng khác, đặc biệt là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, đây yếu tố cạnh trạnh mà SHS đang hướng tới.
Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh chia sẻ định hướng của SHS trong thời gian tới.
Chia sẻ về chiến lược trung - dài hạn, ông Đỗ Quang Vinh thông tin, định hướng của SHS vẫn nhất quán với chiến lược phát triển trở thành tập đoàn tài chính đầu tư, dựa trên 4 trụ cột chính.
Cụ thể, gia tăng chất lượng dịch vụ trong mảng tư vấn đầu tư và quản lý tài sản dành cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, dựa vào sự thấu hiểu chân dung của mỗi khách hàng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ tư vấn, báo cáo phân tích được "may đo" chuyên biệt.
Ứng dụng công nghệ tài chính để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa hệ thống giao dịch. Đón đầu xu hướng nâng hạng thị trường chứng khoán, tận dụng cơ hội thu hút dòng vốn ngoại.
Cuối cùng là mở rộng ra thị trường khu vực, đưa SHS trở thành thương hiệu tài chính có tầm ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.
SHS đã mua vào thay vì bán ra trong đợt điều chỉnh
Tại phần thảo luận, liên quan đến kinh nghiệm đầu tư tự doanh trong nhịp điều chỉnh 223 điểm của VN-Index, Tổng Giám đốc SHS Nguyễn Chí Thành cho biết, cách đầu tư của bộ phận tự doanh và các đơn vị đầu tư chuyên nghiệp như quỹ hoặc công ty chứng khoán có nhiều khác biệt so với nhà đầu tư cá nhân.
Ông Thành nhấn mạnh, bộ phận tự doanh theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn, dựa trên quan điểm và luận điểm. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng đầu cơ, dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về điểm mua – bán và kế hoạch giải ngân.
Ngoài ra, quy mô vốn giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân cũng khác biệt, nên không thể áp dụng máy móc chiến lược của tự doanh cho nhà đầu tư cá nhân. Thay vào đó, cần có góc nhìn phù hợp hơn với điều kiện thực tế của từng cá nhân.
Đối với SHS, bộ phận tự doanh tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, quy mô lớn và đầu tư theo hướng dài hạn. Những đợt sụt giảm mạnh được xem là cơ hội tích lũy chứ không phải rủi ro.
Thực tế, trong những phiên giảm sâu gần đây, SHS đã mua vào thay vì bán ra. Công ty cũng chủ động hiện thực hóa lợi nhuận khi cần thiết để duy trì hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo cổ tức cho cổ đông.
Về quan điểm đầu tư, ông Thành cho biết SHS chủ động né các nhóm ngành dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro vĩ mô như thuế quan Mỹ, chiến tranh thương mại. Trong nhóm xuất khẩu, công ty hạn chế bắt đáy.
Trong khi đó, bất động sản nhà ở vẫn là phân khúc có nhu cầu thật nên khi giá chiết khấu đủ sâu thì SHS sẽ xem xét đầu tư.
CEO SHS đưa ra ví dụ điển hình là cổ phiếu FPT từng giảm từ mức đỉnh 150.000 đồng về dưới 100.000 đồng. SHS đã tận dụng cơ hội để bắt đáy và ra báo cáo khuyến nghị mua với kỳ vọng dài hạn.
"Chúng tôi đánh giá FPT là doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, tiềm năng tăng trưởng cao và định giá hợp lý", ông Thành kết luận.