Thị trường chứng khoán có cần nhà đầu tư 15 tuổi?

Admin

04/09/2020 14:53

Tại dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán vừa được Bộ Tài chính công bố, lấy ý kiến có đề cập việc cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ được mở tài khoản chứng khoán và phải được người đại diện pháp luật đồng ý.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính quy định về độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán. Quy định trước đó không đề cập đến điều khoản này mà chỉ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin khách hàng.Tuy nhiên, các công ty chứng khoán (CTCK) thường quy định độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản là 18.

Chứng khoán là kênh đầu tư nhiều rủi ro

Đầu tư chứng khoán hay đầu tư cổ phiếu là hình thức mà người tham gia sử dụng nguồn vốn của bản thân để mua bán cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán từ đó tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá mua vào và bán ra.

Thực tế, việc tăng giá của cổ phiếu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình hình kinh tế - chính trị, lạm phát, phát triển ngành nghề, khả năng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bên cạnh các yếu tố mang tính kỹ thuật như cung cầu thị trường, tâm lý hay thị hiếu của các nhà đầu tư.

Do chịu tác động của nhiều yếu tố như vậy nên đầu tư cổ phiếu luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể bình tĩnh đón nhận.

.nha-dau-tu-chung-khoan-6591-1598864912.j


Nhà đầu tư 15 tuổi khó có thể đảm bảo được yêu cầu về sự hiểu biết trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể, dưới góc độ vĩ mô, khi nền kinh tế ổn định lượng cung tiền vào cổ phiếu được gia tăng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng về mặt giá trị nhưng nếu ở chiều hướng ngược lại tình hình kinh tế xã hội bất ổn sẽ kéo thị giá cổ phiếu lao dốc.

Tuy nhiên, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ xấu với ngân hàng, sử dụng vốn thiếu hiệu quả sẽ làm giảm sức hút của cổ phiếu thì các nhà đầu tư, cổ đông nhỏ lẻ lại là bộ phận nhận đủ rủi ro.Ngoài ra, mỗi cổ phiếu sẽ đại diện cho một doanh nghiệp, nếu hoạt động kinh doanh tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận đều đặn, bên cạnh việc được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá cổ phiếu nhà đầu tư còn được nhận được khoản lợi tức từ lợi nhuận giữ lại hàng năm của doanh nghiệp.

Thực tế, có đôi khi vĩ mô ổn định, doanh nghiệp kinh doanh tốt lại chưa chắc đã là “kim bài miễn tử” cho cổ phiếu bởi sản phẩm tài chính này còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chung.

Bởi lẽ thị trường chứng khoán nói chung có sự tham gia của nhiều nhân tố bao gồm cơ quan quản lý, bên cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư nên mỗi tác động của từng yếu tố này đều có thể gây biến động lên cổ phiếu.

Nếu các cơ quan quản lý lỏng lẻo, xây dựng hệ thống luật chưa chặt chẽ sẽ làm cho những bên liên quan có cơ hội lợi dụng để làm giá cổ phiếu, nhà đầu tư hoang mang, lượng tiền đổ vào chứng khoán giảm sút, tâm lý lo sợ sẽ tác động không tốt đến giá cổ phiếu.

Khó khả thi?

Phân tích như trên để nói rằng, quy định cho phép người đủ 15 tuổi được mở tài khoản chứng khoán là nhằm đa dạng hóa đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư rủi ro, có nhiều yếu tố liên quan đến pháp lý, minh bạch nên câu chuyện không đơn giản chỉ là cần một người đại diện pháp luật như mở tài khoản ngân hàng.

Tại các ngân hàng, đối với cá nhân từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi CMND, thẻ căn cước công dân không mất hành vi dân sự là có thể mở tài khoản, thậm chí gửi tiết kiệm với điều kiện thông qua người đại diện pháp luật.

Thế nhưng, đối với kênh tiền gửi hay giao dịch ngân hàng chỉ đơn thuần là gửi tiền, rút tiền còn bản chất của thị trường chứng khoán là nơi giao dịch với các hoạt động mua bán, rủi ro khách quan và cả chủ quan luôn luôn tiềm ẩn.

Lâu nay, câu chuyện về “đội đứng sau” trên thị trường chứng khoán đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Những quyết định xử phạt liên quan đến một cá nhân sử dụng hàng chục tài khoản chứng khoán để mua, bán tạo cung cầu giả cho một mã cổ phiếu chưa bao giờ giảm nhiệt.

Do đó, nếu người giám hộ theo pháp luật tham gia thị trường thua lỗ, gây thiệt hại cho chủ tài khoản, hay tiêu cực hơn là lợi dụng việc này để vi phạm quy định trên thị trường chứng khoán thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CTCK DongA Bank, người giám hộ có quyền quyết định có lợi nhất cho người kia, nhưng thế nào là có lợi nhất trong chứng khoán là rất khó.

Ngay cả khi người giám hộ không tham gia giao dịch trực tiếp thì với độ tuổi 15 sẽ khó có thể đảm bảo được những yêu cầu của thị trường chứng khoán về cả kiến thức, độ am hiểu thị trường, hay doanh nghiệp đại diện cho mã cổ phiếu muốn đầu tư.

Hơn nữa, ở độ tuổi này, nhà đầu tư chưa đủ năng lực hành vi dân sự thì các lệnh giao dịch liệu có hiệu lực? Vậy quy định cho phép người đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán là có cần thiết? Có một ý kiến vui của các nhà đầu tư lâu năm cho rằng, 15 tuổi chỉ nên “đánh trứng” ở trong bếp chứ “đánh chứng” là điều cần xem xét kỹ lưỡng.

Minh Khuê