Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ ngành tham dự hội nghị sáng 4/1. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. |
Sáng 4/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cùng UBND TP.HCM, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, lãnh đạo các bộ ngành và một số địa phương.
Cơ hội vàng của Việt Nam
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là hội nghị rất có ý nghĩa, tạo cú hích, động lực phát triển mới không chỉ cho TP.HCM và Đà Nẵng, mà còn cho cả nước, tạo nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh của dân tộc.
Bộ trưởng nhấn mạnh TP.HCM và Đà Nẵng đã đủ điều kiện để phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, hiện được đánh giá là mới nổi và trên đà phát triển mạnh mẽ.
Theo ông, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được xác định là một trong những đột phá của thể chế, quyết sách quan trọng.
"Đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là mới và khó vì chưa có tiền lệ. Cơ hội đi kèm thách thức lớn. Tuy nhiên việc xây dựng thành công đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt 5 cơ hội", Bộ trưởng Dũng nói.
Cụ thể, đây là cơ hội kết nối với các trung tâm tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực tài chính mới, cũng như tạo ra các tổ chức tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, trung tâm tài chính quốc tế là cơ hội tạo bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với chuẩn mực quốc tế,
"Cuối cùng, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi tài chính toàn cầu, nâng cao vai trò uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững, từ đó tạo lập quốc phòng an ninh", Bộ trưởng KHĐT chia sẻ.
Theo ông, đây không chỉ là trách nhiệm riêng của TP.HCM và Đà Nẵng, mà còn là trách nhiệm chung cả nước, vì vậy toàn bộ thể chế chính trị phải thực hiện các nội dung một cách quyết liệt, nhất quán, các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, triển khai đúng tiến độ, đúng lộ trình đã đề ra.
Thủ tướng đã ban hành các quyết định thành lập và phê duyệt quy chế hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đồng thời phân công 49 nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho 12 bộ ngành, địa phương.
Trong đó tập trung 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút nhân tài quốc tế, thúc đẩy đổi mới tài chính và phát triển các công cụ tài chính mới, mở rộng hội nhập với các tổ chức tài chính toàn cầu, bảo đảm an ninh tài chính.
Chính phủ cũng thành lập ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình. 5 Phó trưởng ban còn lại gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Phó trưởng ban là Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. |
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần triển khai ngay trong năm nay. Đối với các bộ ngành, cơ quan trung ương, ông đề nghị chủ động phối hợp với Bộ KHĐT và các địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính khu vực tại Việt Nam, tập trung xây dựng nhóm chính sách tại đề án đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp thực tiễn Việt Nam và thông lệ thế giới.
Riêng Bộ KHĐT cũng sẽ chủ động đề xuất các chính sách cần thiết và đồng hành cùng các địa phương trong việc phát triển và vận hành trung tâm tài chính.
Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng Đà Nẵng và TP.HCM cần chuẩn bị nguồn lực, điều kiện nền tảng, đặc biệt các nguồn lực hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và mềm, hạ tầng số, nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung thu hút nhà đầu tư chiến lược, định chế tài chính đến đầu tư vào các trung tâm tài chính.
Mặt khác, các đối tác quốc tế hỗ trợ các bộ ngành, địa phương trong việc nghiên cứu xây dựng và vận hành trung tam tài chính, hỗ trợ đề xuất các giải pháp cụ thể, đảm bảo tính đột phá.
TP.HCM và Đà Nẵng đã sẵn sàng
Trình bày tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của trung ương, sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của TP.HCM trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả.
"Chúng tôi nhận thức rằng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... mà còn là nơi hội tụ tri thức, công nghệ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm tài chính chất lượng cao và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển", Bí thư Nên chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh trung tâm tài chính không chỉ là dự án kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới, là bước đi chiến lược, thu hút nguồn lực tài chính, nhân lực và đổi mới sáng tạo, dẫn dắt xu hướng tài chính xanh và bền vững.
TP.HCM sẽ quyết tâm cao nhất để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, kế hoạch của Chính phủ, triển khai nhanh chóng, khẩn trương, phối hợp cùng các bộ ngành trung ương để thực hiện đồng bộ các giải pháp.
TP.HCM và Đà Nẵng quyết tâm và cam kết xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thành công. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trước hết, TP.HCM đã thành lập ban chỉ đạo địa phương để điều phối công tác tổ chức thực hiện tại TP với các nhiệm vụ và kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời, quy hoạch không gian nghiên cứu phát triển trung tâm tài chính, bố trí khu vực trung tâm tài chính theo kế hoạch dự kiến.
Đồng thời, nghiên cứu mở rộng quy hoạch, gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm, ưu tiên kết nối hạ tầng đồng bộ, tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, bên cạnh nghiên cứu cơ chế và chính sách đặc thù, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo vệ thị trường an toàn lành mạnh
TP.HCM cũng tập trung bố trí và huy động nguồn lực để phát triển, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về phía Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo triển khai đồng bộ sát với thực tiễn của TP và xu hướng quốc tế.
Hiện tại, Đà Nẵng đã định hình bộ máy quản lý vận hành trung tâm tài chính, triển khai kêu gọi xúc tiến nhà đầu tư, cũng như rà soát, chuẩn bị hạ tầng, hệ sinh thái phục vụ trung tâm tài chính trong tương lai.
Trước mắt, TP đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược xây dựng kết nối hạ tầng, trung tâm tài chính trong không gian hơn 6 ha hướng ra biển, đây là khu vực đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch chung TP và hướng tới có diện tích gần 50 ha ở quận Sơn Trà để hình thành phố tài chính. Bí thư Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất và quy hoạch cho các nội dung này.
Đồng thời, TP tiến hành chuẩn bị nguồn lực công và tư, đặc biệt xây dựng đề án với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế và nguồn nhân lực phục vụ cho trung tâm tài chính tại Đà Nẵng và xây dựng kế hoạch phân công một số cán bộ đi học tập ở nước ngoài.
Mặt khác, Đà Nẵng đã phân công trách nhiệm cho một số cơ quan liên quan, tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách liên quan xuất nhập cảnh, trọng tài quốc tế.
Bí thư Quảng đồng thời cho biết đang tích cực, chủ động phối hợp Bộ KHĐT tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, dự kiến diễn ra chiều 16/1 tại Đà Nẵng, nhằm giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển trung tâm tài chính và quảng bá tiềm năng, điều kiện thuận lợi, cũng như tham vấn ý kiến cơ quan quản lý, nhà đầu tư chiến lược, định chế tài chính, quỹ đầu tư và các công ty tư vấn, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước về các cơ chế, chính sách đặc thù cần xây dựng trong dự thảo Nghị quyết.
Trong khuôn khổ hội nghị này, Đà Nẵng sẽ xúc tiến ký kết các bản ghi nhớ, hợp tác với một số định chế tài chính có liên quan trong việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, mời gọi nhà đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.
Trên cơ sở đó, các quỹ đầu tư tài chính, nhà đầu tư sẽ cam kết, đồng hành cùng việc phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng theo hướng xanh, bền vững, cộng hưởng với các vị trí địa chính trị của TP, cũng như xây dựng hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, nghỉ dưỡng của TP, tạo sự khác biệt giữa mô hình trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm tài chính truyền thống.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.