TP.HCM học được gì từ các trung tâm tài chính hàng đầu châu Á?

Admin

20/01/2025 06:30

Nếu thành công, Việt Nam có thể trở thành trung tâm huy động vốn của thế giới, vươn lên làm chủ "cuộc chơi" chứ không đơn thuần tham gia "sân chơi" tài chính toàn cầu như hiện tại.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Góp ý cho kế hoạch đầy tham vọng này, ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) cho rằng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các trung tâm tài chính lớn như Dubai, Thượng Hải, Hong Kong và New York.

Những kinh nghiệm này sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về cách các trung tâm tài chính hàng đầu vận hành, quản lý và phát triển. Việc áp dụng các thông lệ tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính đạt chuẩn mực toàn cầu, tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp và khả năng cạnh tranh.

Nền móng tạo nên những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới

Từ quốc gia nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, Singapore đã vươn mình trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa vị trí địa lý chiến lược và hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng tài chính.

Nằm tại ngã tư giữa các tuyến thương mại nối châu Á, châu Âu và châu Mỹ, gần eo biển Malacca với cảng biển hiện đại và sân bay quốc tế Changi, Singapore dễ dàng kết nối với các thị trường toàn cầu, tạo thuận lợi cho vận tải hành khách và hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính và thương mại.

Chính phủ Singapore đã coi ngành tài chính là trụ cột phát triển. Việc thành lập Thị trường Đôla châu Á (ADM) và đơn vị tiền tệ châu Á (ACU) từ năm 1968 đã tạo nền tảng vững chắc để thu hút các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế tham gia vào thị trường Singapore.

Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) cũng là nền tảng kết nối các nhà đầu tư quốc tế, cung cấp cơ hội giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính phái sinh. SGX cũng giúp thu hút nhiều công ty niêm yết quốc tế.

Mức thuế thấp hơn so với rất nhiều quốc gia, ở mức 17%, kèm theo nhiều ưu đãi thuế riêng biệt là một trong những yếu tố thu hút doanh nghiệp đến Singapore. Đồng thời, quy trình đăng ký kinh doanh nhanh chóng, hệ thống pháp luật minh bạch và các gói hỗ trợ tài chính như chương trình Enterprise Singapore cũng giúp thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của các doanh nghiệp.

TP.HCM anh 1

Một góc khu vực các tòa nhà văn phòng tài chính ở Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: Pixabay.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng "mềm", Singapore liên tục đầu tư vào hạ tầng "cứng" để đáp ứng nhu cầu không gian cho các tổ chức tài chính. Vịnh Marina, với những cao ốc văn phòng hiện đại, là nơi quy tụ nhiều tập đoàn tài chính lớn như Goldman Sachs, UBS, HSBC, JPMorgan Chase và còn là điểm đến vui chơi giải trí, mua sắm đẳng cấp. Điều này càng làm khu vực này trở nên hấp dẫn, đặc biệt khi giá thuê văn phòng tại Singapore vẫn thấp hơn so với các trung tâm tài chính đối thủ như London, New York, Hong Kong và Tokyo.

Singapore còn sở hữu một lượng lớn các chuyên gia tài chính, nhờ vào các chương trình đào tạo của Viện Ngân hàng và Tài chính Singapore (IBF) và Lực lượng Lao động Singapore (WSG).

Với các điều kiện thuận lợi, Singapore hiện là trung tâm tài chính lớn thứ 3 toàn cầu, với tổng tài sản quản lý lên tới 5.400 tỷ USD, tổng tài sản ngân hàng đạt 2.500 tỷ USD, và tổng vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 634 tỷ USD. Sự hiện diện của các tập đoàn quốc tế đã giúp Singapore thu về hơn 114 tỷ USD FDI trong năm 2023.

Năm 2014, Singapore lọt top 4 trung tâm ngoại hối lớn nhất trên thế giới và có khả năng cấp vốn bằng USD rất cao. Ngoài hàng trăm tập đoàn đa quốc gia sử dụng Singapore làm trụ sở khu vực, nơi đây còn có khoảng 4.000 công ty Trung Quốc chọn làm bệ phóng khi thâm nhập Đông Nam Á.

Đáng chú ý, sự phát triển ngành tài chính đã kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở cao cấp, đặc biệt là với chuyên gia tài chính và người nước ngoài. Bên cạnh Vịnh Marina, Sentosa Cove cũng trở thành điểm nóng bất động sản thu hút nhiều nhà đầu tư.

Trung tâm tài chính xanh

Trong khi đó, theo xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI) công bố tháng 9/2024, Hong Kong đã vượt Singapore để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Với vị trí chiến lược kết nối Đông và Tây, Hong Kong tận dụng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, cho phép duy trì hệ thống kinh tế và pháp lý riêng biệt dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính và giao thương quốc tế.

TP.HCM anh 2

Khu tài chính Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Tương tự Singapore, Hong Kong có hệ thống thuế thuận lợi, với thuế doanh nghiệp chỉ ở mức 16,5% và không áp thuế giá trị gia tăng (VAT), giúp thu hút doanh nghiệp và các công ty tài chính lớn.

Hệ thống tài chính tự do của Hong Kong và chính sách khuyến khích công nghệ tài chính (Fintech), thông qua sáng kiến như quỹ phát triển Fintech Sandbox, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tài chính tại đây. Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty fintech thử nghiệm và phát triển sản phẩm mới, giúp Hong Kong duy trì vị thế là trung tâm tài chính và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành.

Đặc biệt, Hong Kong đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính và công nghệ xanh quốc tế. Thành phố này hiện là trung tâm phát hành trái phiếu xanh lớn nhất châu Á, với các công ty tài chính quốc tế như HSBC, Standard Chartered tích cực thúc đẩy các sản phẩm tài chính bền vững.

Hong Kong cũng đã phát hành tổng cộng khoảng 25 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó bao gồm trái phiếu xanh kỹ thuật số, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ thị trường. Theo Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế, trái phiếu xanh và bền vững tại Hong Kong năm 2022 đạt gần 280 tỷ USD, chiếm hơn 30% thị trường châu Á.

Đây còn là nơi "khai sinh" Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) - sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 3 thế giới về vốn hóa thị trường, chỉ sau Sàn Giao dịch New York và Nasdaq của Mỹ. Tính đến cuối năm 2021, vốn hóa thị trường của HKEX đạt hơn 42.000 tỷ USD, với hơn 2.500 công ty niêm yết và tổng doanh thu cổ phiếu đạt 41.000 tỷ HKD (5.270 tỷ USD).

Ngoài ra, Hong Kong còn là một trong những trung tâm giao dịch USD lớn nhất thế giới và là trung tâm giao dịch nhân dân tệ hàng đầu ngoài Trung Quốc đại lục.

TP.HCM anh 3

Thượng Hải từng là trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, xếp sau New York và London và là trung tâm thương mại lớn nhất châu Á cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ảnh: Vietjet.

Với vị trí chiến lược tại cửa ngõ sông Dương Tử và cảng biển tự nhiên lớn nhất Trung Quốc, Thượng Hải từ lâu đã là trung tâm giao thương quốc tế. Từ những năm 1920-1930, thành phố đã định hình vị thế thương mại, và đến khi chính sách mở cửa được triển khai vào năm 1978, Thượng Hải chính thức bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ để trở thành trung tâm tài chính của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển Thượng Hải qua ba giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu (1980-2000) tập trung vào cơ sở hạ tầng với sự ra đời của "Khu vực mới Phố Đông" và tái lập Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vào năm 1990, đánh dấu bước khởi đầu trong việc huy động vốn cho kinh tế.

Hiện nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nguồn vốn trong nước và quốc tế. Đây là một trong hai sàn giao dịch lớn nhất Trung Quốc và nằm trong top các sàn giao dịch hàng đầu thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường lên đến hơn 7.000 tỷ USD (tính đến năm 2023). SSE không chỉ là nơi niêm yết cổ phiếu của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, mà còn dẫn đầu trong việc phát hành trái phiếu, quỹ ETF và các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu bền vững, hỗ trợ chiến lược phát triển tài chính xanh của Trung Quốc.

Giai đoạn hai (2000-2020) chứng kiến sự hiện đại hóa toàn diện với sự ra đời của Khu Thương mại Tự do Thí điểm (FTZ) năm 2013, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quốc tế với chính sách ưu đãi đầu tư, tự do chuyển đổi ngoại tệ và thu hút dòng vốn nước ngoài. Đến năm 2020, Thượng Hải đã khẳng định vị thế là trung tâm tài chính khu vực với tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Hiện nay, trong giai đoạn ba, Thượng Hải đang tập trung ứng dụng công nghệ tài chính như AI, blockchain và điện toán đám mây để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Dubai - Trung tâm tài chính blockchain, AI

Trong khi đó, với Dubai, từ một vùng sa mạc khô cằn, thành phố này đã vươn mình trở thành trung tâm tài chính quốc tế và thương mại tự do nổi bật tại khu vực Trung Đông.

TP.HCM anh 4

Từ sa mạc khô cằn, Dubai vươn mình trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Ảnh: Agoda.

Với những chiến lược đầu tư bài bản và chính sách kinh tế linh hoạt, Dubai không ngừng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu, đặc biệt thông qua Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC) - nơi đã ghi dấu 20 năm hoạt động phục vụ các thị trường Trung Đông, châu Phi và Nam Á, bao gồm 72 quốc gia với tổng GDP lên tới 8.000 tỷ USD.

Nằm ở giao điểm giữa châu Á, châu Phi và châu Âu, Dubai sở hữu vị trí địa lý chiến lược hiếm có. Cảng Jebel Ali, một trong những cảng lớn nhất thế giới, và sân bay quốc tế Dubai (DXB), trung tâm vận tải hàng không hàng đầu, đã biến thành phố này thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ vậy, Dubai còn đầu tư mạnh vào hạ tầng hiện đại, từ những tòa nhà chọc trời biểu tượng như Burj Khalifa đến các khu phức hợp tài chính và công nghệ cao cấp. Những dự án mang tầm vóc quốc tế đã tạo nên một hệ sinh thái kinh tế năng động và thu hút nhiều doanh nghiệp.

Dubai xây dựng nền tảng phát triển bằng cách thiết lập hơn 30 khu vực thương mại tự do (Free Trade Zones - FTZ), bao gồm Jebel Ali Free Zone (JAFZA), Dubai International Financial Centre (DIFC) và Dubai Silicon Oasis (DSO). Những khu vực này cung cấp các ưu đãi vượt trội như miễn thuế doanh nghiệp, quyền sở hữu 100% vốn nước ngoài, tự do chuyển đổi ngoại tệ và thủ tục pháp lý nhanh gọn.

Khác các trung tâm tài chính đi trước, Dubai tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài chính, blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI). Các sáng kiến như "Dubai Blockchain Strategy" và các dự án của Dubai Future Foundation đã đặt mục tiêu đưa thành phố này trở thành trung tâm công nghệ blockchain hàng đầu thế giới.

Đáng nói, chính sách visa vàng cùng cơ hội định cư lâu dài là chìa khóa giúp Dubai thu hút nhân tài quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và năng lượng tái tạo.

Đồng thời, chính quyền Dubai không ngừng đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân lực địa phương thông qua hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế, nâng cao năng lực quản lý và công nghệ.

Nhờ chính sách phát triển dài hạn, Dubai hiện là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực. Dubai International Financial Centre (DIFC) đã trở thành nơi đặt trụ sở của hàng trăm tổ chức tài chính quốc tế. Trong khi đó, Thị trường tài chính Dubai (DFM), thành lập từ năm 2000, hiện có gần 200 công ty niêm yết với tổng vốn hóa thị trường đạt 187 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, hệ thống tài chính toàn cầu đang tái định hình, với xu hướng hình thành trung tâm tài chính mới tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Dù các trung tâm hiện có vẫn duy trì vị thế, thế giới cần một trung tâm tài chính mới và khác biệt.

Do đó, Việt Nam - nhờ vị trí địa chiến lược quan trọng và sức hút đầu tư cao - hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới nếu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.