Tuần này, chợ tươi sống Baishazou, một trong những chợ lớn nhất Vũ Hán, đã náo nhiệt trở lại. Thành phố này của Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát dịch Covid-19, giờ đây đã quay lại với nhịp sống thường nhật sau khi được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau nhiều tháng.
Một tấm biển treo trên cao: “Không giết mổ và buôn bán động vật tươi sống”.

Một người bán hàng đang với xe hàng hóa của mình ở chợ tươi sống Baishazhou (Vũ Hán), ngày 6/4. Ảnh: Bloomberg
Baishazou và những chợ bán đồ tươi sống khác đang là trung tâm của một cuộc tranh luận dữ dội toàn cầu: liệu có nên cho các ngôi chợ này hoạt động trở lại hay không, khi 1 trong số chúng là nơi đầu tiên phát hiện ra virus corona. Cụ thể, các quan chức Mỹ đang gây áp lực yêu cầu đóng cửa chúng. Tuy nhiên, chợ ở Trung Quốc nói riêng và các nước châu Á khác nói chung là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, giống như các quán rượu ở New York hay những tiệm bánh mì ở Pháp.
Có một thách thức mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt khi Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đang tìm cách trở lại cuộc sống bình thường. Đó chính là làm thế nào để các ngôi chợ vẫn hoạt động nhưng đồng thời phải tuân thủ các điều luật cấm giết mổ động vật tươi sống và buôn bán động vật hoang dã.
Theo tiến sĩ Zhenzhong Si - một nghiên cứu viên tại Đại học Waterloo (Canada) nghiên cứu về an ninh lương thực ở Trung Quốc: “Việc cấm các chợ hoạt động không chỉ là điều không thể, mà còn phá vỡ nền an ninh lương thực đô thị, vì chúng đóng vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo cư dân tiếp cận được với nguồn thực phẩm lành mạnh với giá cả phải chăng."

Một người phụ nữ đeo khẩu trang ở chợ Baishazhou (Vũ Hán), ngày 6/4. Ảnh: Bloomberg
Với hơn 1,4 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, virus corona được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12 sau khi một loạt các ca nhiễm bệnh ban đầu có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán - một trong những chợ thủy hải sản lớn nhất miền trung Trung Quốc. Các nghiên cứu sau đó, bao gồm của các nhà nghiên cứu Trung Quốc được xuất bản trên Lancet vào tháng 2, đã phát hiện ra một số trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên không có bất kỳ tiếp xúc nào với chợ hải sản Hoa Nam.
Các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc tin rằng virus gây bệnh chết người này được lây từ động vật hoang dã sang người, và rất có thể thông qua một loài trung gian như dơi. Mối liên hệ chặt chẽ với động vật hoang dã được bày bán tại chợ Hoa Nam này đã khiến nó bị cho là nơi bùng phát dịch bệnh.
Nước Mỹ phản đối việc mở lại các chợ
Giới quan chức Mỹ đang kêu gọi chính phủ của Chủ tịch nước Tập Cận Bình ngay lập tức đóng cửa các ngôi chợ, vì chúng là nơi sản sinh tiềm năng nhiều bệnh tật. Tuần trước, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ, đã nói rằng virus corona là kết quả trực tiếp của những ngôi chợ kém vệ sinh, và việc để các chợ này tiếp tục hoạt động là một điều “không thể tưởng tượng nổi”.
Bên cạnh đó, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Nam Carolina, đang thúc giục các quan chức Trung Quốc không được cho các chợ hoạt động trở lại. Tuần trước, ông Graham đã gửi thư cho đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, yêu cầu ông ta gây áp lực lên chính phủ của mình, nói rằng “hoạt động của họ nên chấm dứt ngay lập tức”.
“Giống như những ngôi chợ này, ở các nước Tây phương họ có các chợ nông sản, nơi bạn có thể mua hàng từ những nhà cung cấp độc lập” - ông Jian Yi, người sáng lập Good Food Academy - một nền tảng online thúc đẩy việc ăn uống lành mạnh, chia sẻ. “Mọi người đến các chợ tươi sống để mua rau củ, trái cây, thịt và cá.”

Buôn bán thực phẩm qua hàng rào phân cách khu dân cư và đường phố ở Vũ Hán, ngày 7/4. Ảnh: EPA
Trong mọi trường hợp, việc đóng cửa các chợ này là gần như không thể vì chúng ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân và những người bán hàng, cũng như chúng là điều không thể thiếu đối với người dân Trung Quốc. Một nghiên cứu về hệ thống thực phẩm đô thị năm 2018 của Đại học Wilfrid Laurier (Canada) cho thấy, 90% hộ gia đình ở thành phố Nam Kinh, phía Đông Trung Quốc (với dân số hơn 8 triệu người), mua thực phẩm từ các chợ tươi sống với 75% lượt đi đến mỗi chợ là ít nhất 5 lần/tuần.
Các chợ tươi sống rất phổ biến ở Trung Quốc vì chúng tiện lợi, các mặt hàng được cho là rẻ và tươi hơn trong siêu thị. Trong khi lợn, cừu và bò phải được làm thịt trong các nhà máy giết mổ, thì ở chợ chúng được chế biến tại chỗ và không cần đóng gói. Cá tươi và gà sống cũng rất phổ biến.
Nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát của Trung Quốc
Mặc dù các chợ tươi sống ở trong hoặc gần các thành phố lớn thường được quản lý tốt và sạch sẽ thì vấn đề vệ sinh ở các chợ nhỏ hơn thường không được đảm bảo. Cả trước khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc cũng đã cố gắng kiểm soát việc buôn bán động vật hoang dã tại các chợ, cũng như tiến hành kiểm tra thường xuyên để cải thiện tình trạng vệ sinh. Bên cạnh đó, các nhà môi trường học, các nhà nghiên cứu và truyền thông quốc gia cũng đã yêu cầu những quy định chặt chẽ hơn đối với việc buôn bán động vật quý hiếm.
Hồi tháng 1, những bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy những loài động vật, như dê và công (thường không được ăn ở Trung Quốc) được bày bán ở chợ Hoa Nam. Điều này đã gây ra những phản ứng kịch liệt đối với sự thờ ơ của chính quyền, khi đã bỏ qua những sơ hở trong việc cho phép buôn bán miễn là các động vật đó được nuôi ở nông trại. Động vật hoang dã được xếp vào nhóm các loài không thường được con người ăn.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hồi tháng 1 đã ban hành lệnh khẩn cấp tạm thời, yêu cầu giới chức Vũ Hán nên “quản lý nghiêm ngặt hơn” các chợ, và cấm việc đưa các loài động vật hoang dã và gia cầm sống vào thành phố. Dưới áp lực của sự lây lan dịch bệnh vào tháng 2, Nhân Đại Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã trên cạn cho mục đích ăn uống.
Tuy nhiên, quyết định này lại không bao gồm việc buôn bán những động vật quý hiếm được dùng trong các bài thuốc cổ truyền, thời trang và giải trí. Y học Trung Quốc tin rằng một số loài động vật quý hiếm có lợi cho sức khỏe. Điều này đã thúc đẩy việc buôn lậu và buôn bán bất hợp pháp các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như tê tê - vì vảy của nó được cho là chữa được nhiều bệnh.

Những người làm việc mặc đồ bảo hộ bên ngoài chợ hải sản Hoa Nam vẫn đang đóng cửa, ngày 30/3. Ảnh: AFP
Vì vậy, “việc tập trung vào các chợ tươi sống khi bàn bạc về sự bùng phát dịch bệnh đã dẫn chúng ta đi sai hướng. Nó làm lu mờ vấn đề thực sự ở đây, đó chính là chuỗi cung ứng các loài động vật hoang dã. Chúng ta không nên có cái nhìn tiêu cực về các chợ tươi sống vì sự bùng phát của Covid-19" - ông Si ở Đại học Waterloo nói.
Chính phủ Trung Quốc đã và đang thúc đẩy sự hồi phục các hoạt động kinh tế, khi mà số ca nhiễm bệnh đã ở mức thấp trong nhiều tuần, và cố gắng kích cầu trở lại sau một thời gian dài im ắng vì dịch bệnh.
Chợ Hoa Nam vẫn sẽ chưa hoạt động trở lại trong tuần này, dù cho Vũ Hán đang dần mở cửa sau lệnh phong tỏa. Chợ đã được vây rào và có cảnh sát bảo vệ để ngăn chặn những người muốn chụp ảnh tại đây.