Mới đây, Ấn Độ đã cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc bao gồm các trò chơi nổi tiếng do các công ty của nước này như Tencent và NetEase phát hành, bên cạnh đó có cả các dịch vụ của Baidu và Ant Group của Alibaba.
Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ tuyên bố, các ứng dụng của Trung Quốc đang "tham gia vào các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn" của nước này. Chính phủ cáo buộc các dịch vụ của Trung Quốc đã gửi dữ liệu của công dân nước này đến các máy chủ đặt bên ngoài Ấn Độ.
Trước đầu tháng 6, Ấn Độ cũng đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai quốc gia gia tăng kể từ tháng 6, khi một cuộc đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại khu vực biên giới trên dãy núi Himalaya, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ.
Các nhà phân tích cho rằng, động thái kiên quyết của chính phủ Ấn Độ đang mở ra cơ hội cho các công ty nội địa và các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Facebook và Apple có thể tấn công thị trường Ấn Độ dễ dàng hơn.
Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, Canada chia sẻ với CNBC: "Các công ty Trung Quốc đang phải nhận một bài học đau đớn. Và chính sách đối ngoại của quốc gia tỷ dân đã cướp đi hoạt động kinh doanh của chính họ. Vấn đề địa chính trị giữa Trung Quốc với Ấn Độ đã dẫn đến sự sụp đổ của các công ty nước này".
Hiện tại chính phủ Ấn Độ mới chỉ nhắm mục tiêu đến các ứng dụng. Tuy nhiên, theo Bloomberg, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc ví như Huawei và ZTE có lẽ sẽ phải ngừng hoạt động thử nghiệm 5G ở Ấn Độ. Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ sẽ theo sau những nước khác như Úc và Anh tiến tới loại trừ Huawei khỏi hệ thống mạng di động thế hệ mới.
Tất nhiên việc trấn át các công ty công nghệ từ Trung Quốc mang lại cơ hội cho cả các công ty công nghệ của Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ.
Đã từ lâu, Ấn Độ luôn trở thành một thị trường đầy hấp dẫn với các công ty công nghệ Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện ngoài thị trường nội địa.
Theo tổ chức Gateway House, các nhà đầu tư và các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào các start-up Ấn Độ với số vốn lên tới 4 tỷ USD. Và có tới 18/30 kỳ lân công nghệ tại Ấn Độ có trị giá hơn 1 tỷ USD hiện đang do các nhà đầu tư Trung Quốc tài trợ vốn.
Trong bối cảnh bị Mỹ gâu sức ép, ứng dụng TikTok vẫn cho thấy sức ảnh hưởng lớn và đe dọa tới cả Facebook và Google. Bên cạnh đó, các hãng smartphone Trung Quốc như Xiaomi vẫn đang dẫn đầu thị trường smartphone tại Ấn Độ.
Nhưng Prakash cho rằng: "Các công ty công nghệ Trung Quốc cần biết rằng, thời kỳ mở rộng tự do trên toàn thế giới đã qua".
Sự vắng mặt của các ứng dụng và dịch vụ từ Trung Quốc ở một thị trường lớn như Ấn Độ chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn và lúc này các công ty Mỹ là người sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Neil Shah, giám đốc nghiên cứu đến từ Counterpoint Research chia sẻ với CNBC: "Việc cấm các ứng dụng Trung Quốc để lại một khoảng trống lớn cần lấp đầy. Nó mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty công nghệ lâu đời của Mỹ và các nước khác muốn tới đây để mở rộng thị phần".
Không ai rõ các công ty công nghệ Trung Quốc có thể tìm được đường quay lại thị trường Ấn Độ hay không nhưng qua những vụ việc gần đây, có lẽ đã đến lúc các công ty từ Trung Quốc cần học cách chấp nhận một thực tế rằng, họ không phải là bá chủ trên mọi thị trường.
Tham khảo CNBC