Từ ngày 20/4, không được nhận xét vào tờ khai lý lịch cá nhân của người dân

Admin

12/03/2020 13:00

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thông tư 01/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020, thay thế Thông tư 20/2015/TT-BTP.

Chính sách - Từ ngày 20/4, không được nhận xét vào tờ khai lý lịch cá nhân của người dân

Từ ngày 20/4, cán bộ không được nhận xét vào tờ khai lý lịch của người dân. (Ảnh minh họa)

Thông tư này hướng dẫn thi hành một số điều về chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; phê duyệt danh sách cộng tác viên dịch thuật; chứng thực hợp đồng, giao dịch và thẩm quyền chứng thực tại các huyện đảo.

Theo đó, Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đều hướng dẫn khi chứng thực lý lịch cá nhân là chứng thực chữ ký và không được phê vào nội dung lý lịch.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đều yêu cầu phải ghi nhận xét về hạnh kiểm, chấp hành pháp luật dẫn đến UBND xã rất lúng túng, nếu ghi vào lý lịch thì không đúng pháp luật, không ghi thì gây khó khăn cho công dân.

Thông tư 01/2020/TT-BTP đã tháo gỡ được vướng mắc ở trên, cụ thể tại Điều 14 quy định, các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân.

Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Ngoài ra, khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính để đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính xác thực của bản chính được sử dụng để chứng thực bản sao. Bản chính phải bảo đảm về nội dung và hình thức mà cơ quan nhà nước đã ban hành hoặc xác nhận.

Bản sao từ bản chính để chứng thực phải gồm đầy đủ số trang có thông tin của bản chính. Ví dụ chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin về các thành viên có tên trong sổ; chứng thực hộ chiếu thì phải chụp cả trang bìa và toàn bộ các trang của hộ chiếu có ghi thông tin.

Hoàng Mai