Vào đầu thế kỷ 21, Masayoshi Son, hay còn gọi là Masa, từng là người giàu nhất thế giới trong vòng 3 ngày.
Tuy nhiên, sau khi bong bóng dotcom sụp đổ, ông mất đến 97% tài sản của mình. Mặc dù vậy, "bố già công nghệ" Nhật Bản chưa bao giờ từ bỏ niềm lạc quan công nghệ.
Son tiếp tục khởi động một dịch vụ băng thông rộng mới tại Nhật Bản dưới thương hiệu Yahoo. Giấc mơ của Masa là kết hợp một nhà mạng điện thoại di động với băng thông rộng Yahoo, để người tiêu dùng Nhật có thể truy cập dữ liệu, hình ảnh và tin nhắn trên cùng một thiết bị kỹ thuật số.
Khi đó, mảnh ghép còn thiếu của Son là một sản phẩm tiêu dùng đột phá để cạnh tranh với đối thủ lớn nhất NTT Docomo - cái tên thống lĩnh thị trường Nhật Bản và cũng là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Người mang đến câu trả lời cho Masa không ai xa lạ, chính là người bạn cũ Steve Jobs, theo những chi tiết được tiết lộ trong cuốn sách Gambling Man của tác giả Lionel Barber viết về Masayoshi Son.
Tình bạn đặc biệt
Masa và Steve Jobs đều là những kẻ nổi loạn với phong cách lãnh đạo độc đoán, sở hữu sự tự tin mạnh mẽ và đặc biệt là khả năng "tiên đoán" tương lai.
Cả hai đều có hiểu biết sâu sắc về thẩm mỹ, công nghệ và hành vi người tiêu dùng. Văn phòng của Masa ở Tokyo từng có 50 mẫu điện thoại gắn trên tường để ông nghiên cứu từng tính năng trước khi quyết định thiết kế sản phẩm của SoftBank.
Thậm chí, câu nói yêu thích "bố già công nghệ" Nhật Bản xuất phát từ chiến dịch quảng cáo Think Different của Apple năm 1997: “Những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới chính là những người làm được điều đó”.
Son lần đầu gặp Steve Jobs vào giữa thập niên 1980 tại triển lãm thương mại Comdex ở Las Vegas. Nhưng phải đến mùa hè năm 1998, bộ đôi mới có cuộc trò chuyện nghiêm túc đầu tiên dưới gốc cây anh đào tại nhà của Larry Ellison ở Woodside, California.
Masayoshi Son và Steve Jobs tồn tại một tình bạn đặc biệt. Ảnh: Nikkei Asia. |
Ngôi nhà của Ellison, CEO Oracle là một khu phức hợp giống như cung điện Nhật Bản cổ đại, trị giá khoảng 70 triệu USD, với hồ nước và thác nhân tạo.
Cuộc trò chuyện hôm ấy xoay quanh các định giá điên rồ trên thị trường chứng khoán Internet, nhưng thứ khiến hai người tập trung hơn là tương lai sau bong bóng Dotcom.
“Cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng Internet sẽ là tương lai”, Masa kể lại. Jobs hiểu rằng thế giới mạng lưới sắp đến, nơi Apple đóng vai trò tiên phong và SoftBank là nhà đầu tư cùng vận hành.
Năm 2005, trong một chuyến thăm California, Masa đưa Jobs xem bản phác thảo một thiết bị giống iPod có khả năng kết nối di động với màn hình lớn và sử dụng hệ điều hành Apple. Jobs không ấn tượng và nói thẳng: “Masa, đừng đưa cho tôi mấy bức vẽ tào lao của cậu. Tôi có bản thảo của mình rồi”.
Mặc dù vậy, người được mệnh danh "Warren Buffett Nhật Bản" không bỏ cuộc. Dường như ông đã có một dự đoán ở trong đầu. “Tôi không cần cho anh xem bản vẽ này, nhưng khi sản phẩm hoàn thiện, hãy giao nó cho tôi ở Nhật Bản”, Masa trả lời.
Dù không tiết lộ thêm chi tiết, Jobs nở một nụ cười. Không lâu sau đó, tại nhà riêng của CEO Apple ở Palo Alto, ông đồng ý nguyên tắc rằng SoftBank sẽ có quyền phân phối độc quyền iPhone tại Nhật Bản.
Không có văn bản nào được ký kết. Không có thỏa thuận về giá cả hay số lượng. Đó đơn giản chỉ là một lời hứa giữa hai người đàn ông dựa trên niềm tin rằng Masa có đủ tài chính để sở hữu một doanh nghiệp di động.
Thương vụ hàng tỷ USD
Ngày 17/3/2006, Masa chốt thương vụ trị giá 17 tỷ USD mua lại Vodafone Nhật Bản, một công ty khi đó được đánh giá là “hạng hai” tại thị trường nội địa.
Masayoshi Son đặt cược 17 tỷ USD vào tiềm năng của những chiếc iPhone đầu tiên. Ảnh: Wired. |
Hai tuần sau, Jobs đến Tokyo và Masa đã thách thức ông thực hiện lời hứa: “Anh không đưa tôi bất kỳ tài liệu nào, nhưng tôi đã đặt cược 17 tỷ USD dựa trên lời nói của anh. Anh nên cảm thấy một chút trách nhiệm”.
Nhà sáng lập Apple bày tỏ sự bất ngờ, nhưng không quên thực hiện lời hứa giữa cả hai. Khi iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007, công nghệ 2G của chiếc điện thoại này không tương thích với tiêu chuẩn tiên tiến tại Nhật.
Tuy nhiên, Masa biết rằng phiên bản iPhone 3G sẽ thay đổi cuộc chơi. Ngày 4/6/2008, Masa thông báo SoftBank sẽ bán iPhone, vượt mặt NTT Docomo.
Đến tháng 7 cùng năm, SoftBank chính thức phân phối iPhone tại Nhật. Canh bạc này sau đó đã chứng minh tầm nhìn của Son.
Đến năm 2011, khi SoftBank mất quyền phân phối độc quyền này, thị phần của công ty đã tăng từ 17% lên 23%.
Sau iPhone, Son hiện bày tỏ sự hứng thú với trí tuệ nhân tạo. Vị tỷ phú tin rằng tác động của nó sẽ vượt xa vi xử lý, Internet và điện thoại di động. Ảnh: The Information. |
Nhờ iPhone, SoftBank Mobile trở thành nhà mạng số một Nhật Bản và là bệ phóng cho những tham vọng quốc tế của Masa.
Sau iPhone, Son hiện bày tỏ sự hứng thú với trí tuệ nhân tạo. Vị tỷ phú tin rằng tác động của nó sẽ vượt xa vi xử lý, Internet và điện thoại di động.
Để hiện thực tầm nhìn đó, mùa hè năm 2024, SoftBank đầu tư 500 triệu USD vào OpenAI. Trước đó, có tin đồn rằng Masa sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD để phát triển “chiếc iPhone của AI” cùng Sam Altman và Jony Ive.
Nếu dự án này thành công, thế giới sẽ một lần nữa nằm trong tay Masayoshi Son. Đó cũng sẽ là di sản hoàn hảo cho tình bạn và sự hợp tác của Masa và Steve Jobs.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn