Vì sao vợ con sếp lớn ngân hàng, doanh nghiệp dồn dập mua cổ phiếu?

Admin

26/11/2024 04:34

Thị trường chứng khoán đi xuống, thanh khoản thấp, sức hấp dẫn suy giảm. Tuy nhiên, vợ con các đại gia, sếp lớn doanh nghiệp, ngân hàng lại đua nhau mua vào.

Thông tin từ CTCP Tập đoàn Masan (MSN), bà Nguyễn Yến Linh, con gái tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan, đã chi khoảng 600 tỷ đồng mua thành công gần 8,5 triệu cổ phiếu MSN, trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó, tương đương khoảng 85%.

Thời gian giao dịch là ngày 29/10-18/11. Sau giao dịch, bà Nguyễn Yến Linh đã sở hữu gần 8,5 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 0,59% vốn.

Người nhà lãnh đạo doanh nghiệp dồn dập mua vào

Đây là một giao dịch đáng chú ý trong bối cảnh cổ phiếu Masan giảm khá mạnh trong hơn 1 tháng qua, từ mức trên 81.000 đồng/cổ phiếu có lúc về dưới 70.000 đồng. Masan cũng nhiều lần cho rằng giá cổ phiếu đã xuống thấp hơn nhiều so với giá trị thực cũng như tiềm năng của MSN.

Trước đó, hồi cuối năm 2021, MSN có lúc lên hơn 140.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh). Nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá, MSN có thể lên 180.000-190.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hải, vợ Chủ tịch Tập đoàn 911 (NO1) Lưu Đình Tuấn vừa mua vào 763.500 cổ phiếu NO1, trong khoảng thời gian 15/10-13/11 và nâng sở hữu lên hơn 1,7 triệu cổ phiếu (7,28% vốn điều lệ), trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Tại CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TNG, theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh trong giai đoạn 2-30/12. Hiện ông Mạnh nắm khoảng 9,8 triệu cổ phiếu TNG (tương đương 8,01%). Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Mạnh sẽ nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 19,8 triệu cổ phần.

Ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn HIPT (HIG), cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HIG từ 21/11 đến 20/12 nhằm mục đích đầu tư. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Đoàn sẽ tăng sở hữu lên hơn 10,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 47%.

Ông Lê Văn Tân, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), đã đăng ký mua 500.000 cổ phiếu LSS từ ngày 22/11 đến 21/12. Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Tân sẽ tăng sở hữu lên gần 4,34 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,41%).

mua co phieu anh 1

Thị trường chứng khoán ảm đạm và giảm giá kéo dài thời gian gần đây. Ảnh: HH.

Trước ông Tân, ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch HĐQT, cũng đã mua vào 2,65 triệu cổ phiếu trong tổng số 3 triệu cổ phiếu LSS, qua đó nâng sở hữu lên hơn 4,54 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,67%.

CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa chi khoảng 10.700 tỷ đồng mua lại gần 247 triệu cổ phiếu, tương đương 67% tổng số lượng đăng ký ban đầu.

Về phía các ngân hàng, cũng xuất hiện nhiều thông tin mua vào.

Bà Đặng Thị Thu Hà, vợ Phó chủ tịch HĐQT VIB Đặng Văn Sơn đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, từ 27/11 đến 26/12. Nếu thành công, vợ ông Sơn sẽ nâng sở hữu tại VIB lên 81,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,215% vốn (không bao gồm 12,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu đang chờ về).

Tương tự, bà Đặng Minh Ngọc, con gái ông Sơn đã đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu VIB, dự kiến nâng sở hữu lên gần 8,07 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,318% (không bao gồm 691.254 cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu đang chờ về).

Ông Phạm Quốc Thanh, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc HDBank vừa thông báo đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB, từ 18/11 đến 16/12. Hiện, ông Thanh nắm giữ hơn 5,8 triệu cổ phiếu HDB, chiếm 0,199% vốn ngân hàng.

Điều gì đang xảy ra?

Hiện tượng vợ con các đại gia, sếp lớn và người liên quan tại các doanh nghiệp, ngân hàng đua nhau mua và đăng ký mua vào cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh TTCK ảm đạm, chưa thoát xu hướng đi xuống… là điều không hiếm trong quá khứ.

Số lượng các giao dịch là khá nhiều, dồn dập, nhưng không lớn so với quy mô cả nghìn doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Việc các sếp lớn và người có liên quan mua bán cổ phiếu có thể do mỗi doanh nghiệp có câu chuyện riêng và cũng có thể do giới lãnh đạo nhìn được triển vọng tích của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp và TTCK nói riêng.

Đó có thể là câu chuyện về triển vọng bứt phá của NO1 khi chuyển qua mua lượng lớn xe VinFast để lập hãng taxi, hay sự bứt phá trong mảng tiêu dùng và bán lẻ của Masan cùng với câu chuyện hoàn tất tìm được nhà đầu tư ngoại mới cho thương vụ rút vốn của SK Group (Hàn Quốc)…

Tại ngân hàng VIB có thể liên quan tới câu chuyện thoái vốn của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia. Còn tại Vinhomes câu chuyện mua cổ phiếu quỹ có thể do giá quá thấp, cũng có thể liên quan tới việc khối ngoại bán.

Dù vậy, một thực tế đã được rất nhiều chuyên gia đề cập rằng TTCK không phải lúc nào cũng là thước đo sức khỏe của nền kinh tế. TTCK nhiều khi phụ thuộc vào dòng tiền. Khi mà dòng tiền eo hẹp, bị rút ra thì triển vọng kinh tế hay sức khỏe doanh nghiệp có tốt đẹp cũng khó lòng đi ngược xu hướng suy giảm.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp được đánh giá có triển vọng tốt như FPT, DGC, MSN… đều chịu áp lực giảm mạnh theo thị trường.

Hiện TTCK có thanh khoản rất thấp. Khối ngoại rút ròng kỷ lục 85.000 tỷ đồng từ đầu năm do tỷ giá USD/VND tăng mạnh, lãi suất Việt Nam chênh so với thế giới...

Trong nước, cho vay margin tại các CTCK liên tục lập kỷ lục, lên tới 9,2 tỷ USD nhưng tiền vào TTCK rất thấp. Thanh khoản èo uột, quanh mức 10.000-15.000 tỷ đồng. Có tín hiệu cho thấy doanh nghiệp có thể vay trả nợ trái phiếu. Trước đó, các thống kê cho thấy cao điểm đáo hạn trái phiếu là vào cuối năm 2024.

Khi các dòng tiền lớn bị rút ra, còn các nhà đầu tư cá nhân thận trọng, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lên mức kỷ lục, xu hướng giá cổ phiếu đi xuống là khó tránh khỏi.

Dù vậy, thời điểm khó khăn nhất, thanh khoản cạn kiệt nhất có thể cũng là tín hiệu thị trường xác lập đáy. Có thể TTCK không thể lên ngay được, nhưng vẫn là cơ hội để mua vào nắm giữ, nhất là đối với các nhà đầu tư lâu dài như lãnh đạo doanh nghiệp, vợ con và người liên quan các sếp doanh nghiệp và nhất là các doanh nghiệp có các kế hoạch, chiến lược riêng.