Bất động sản công nghiệp: Chờ cú hích hậu Covid-19

21/05/2020 16:30

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019, giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 4 tháng, khối ngoại đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ 4 thu hút được 665 triệu USD.

Phân khúc có sức hút bậc nhất

Kể từ tháng 6/2019, ngày càng nhiều các nhà đầu tư BĐS công nghiệp tại Việt Nam tự tin rằng EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, từ đó mở rộng nhóm khách thuê hơn. Với việc thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn trong năm nay, các nhà đầu tư cũng hy vọng sẽ thấy sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu vào năm 2020 và 2021.

Đây là những tín hiệu lạc quan, đã khiến cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ít chịu bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sở hữu BĐS công nghiệp vẫn báo lãi là minh chứng cho những tín hiệu lạc quan trên.

Điển hình như Tổng CTCP phát triển khu công nghiệp Sonadezi báo lãi 270 tỷ đồng trong quý I/2020 (tăng 51% so với cùng kỳ năm trước). CTCP Long Hậu báo lãi sau thuế tăng 15,1% lên mức 63,2 tỉ đồng. CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo báo lãi 25,4 tỉ đồng (tăng trưởng 341%). CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên báo lãi sau thuế đạt 85,3 tỉ đồng trong quý I/2020, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2019…

Một điểm nữa là giá cho thuê BĐS công nghiệp vẫn tăng, tỉ lệ lấp đầy vẫn giữ được sự ổn định.

Đánh giá của JLL cho thấy, tại miền Nam, quý I/2020 giá đất trung bình đạt 101 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với năm 2019, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Tại miền Bắc, giá trung bình 99 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, tỉ lệ lấp đầy đạt hơn 70%. Giá đất tại các khu công nghiệp ở miền Bắc tăng chủ yếu tập trung tại Bắc Ninh và Hải Phòng.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Điều này chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Để thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, Chính phủ không chỉ tạo cơ chế thuận lợi mà hạ tầng còn đáp ứng được nhu cầu của các công ty đa quốc gia (Ảnh: TL)

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, điều này đã khiến các nhà đầu tư quan tâm đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cần chiến lược bài bản

Bình luận về vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như một phương pháp các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro.

Theo ông Khương, Việt Nam có lợi thế và hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài bởi lực lượng lao động trẻ, năng động, chi phí lao động thấp. Tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và đặc biệt mới đây Việt Nam là quốc gia ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công đưa vị trí của Việt Nam vào một trong những nước an toàn nhất thế giới. Đây chính là điểm cộng để có thể thu hút dòng vốn FDI, mở rộng thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế là gần Trung Quốc, điều này giúp các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất nhưng vẫn không cần từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này.

JLL Việt Nam cho biết, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Nay chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, kế hoạch này ngày càng thôi thúc họ.

Cụ thể, Samsung đang tính chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam. Hồi tháng 2/2020, tờ Nikkei thông tin hai hãng công nghệ khổng lồ là Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Vấn đề này cho thấy, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indodesia, Malaysia và Thái Lan về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế.

Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, bởi việc thu hút được các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn mang tính dài hạn mà Việt Nam chưa xử lý được.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tại Việt Nam đều đã khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến đầu tư Việt Nam. Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cũng đã gửi một bản đề xuất gồm 4 điểm quan trọng để Việt Nam có thể đón đầu sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, điều quan trọng nhất các khu kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, thông tin về giá thuê đất, cung ứng điện nước, nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Phạm Minh

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản công nghiệp: Chờ cú hích hậu Covid-19" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.