Cẩn trọng với những cổ phiếu tin đồn

07/10/2020 08:59

Điển hình cho đà tăng của nhóm cổ phiếu tin đồn là STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khi bất ngờ bùng nổ tăng hơn 20,5% từ mức giá 11.450 đồng/cp lên 13.800 đồng/cp chỉ sau 9 phiên giao dịch (18-30/9) với thanh khoản tăng mạnh lên vài chục triệu cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.

Nguyên nhân của đà tăng này là do thị trường có tin đòn rằng Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) sẽ bán gần 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cp, bên mua vào là Thaco. Sóng tăng giá đã giúp STB trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho diễn biến tích cực của Vn-Index trong giai đoạn này.

Hấp dẫn nhờ tin đồn

Không riêng STB, tin đồn còn mang lại cho nhiều cổ phiếu khác đà tăng giá khiến ngay cả những người đã nắm giữ cổ phiếu phải bất ngờ.

Có thể kể đến cổ phiếu BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cũng đang khá thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ sớm thoái vốn tại BMI khi có thông tin thoả thuận thoái vốn đã bước vào giai đoạn cuối.

co-phieu-tin-don-3952-1601843010.jpg

Tin đồn có thể khiến một cổ phiếu bước lên đỉnh nhưng cũng có thể khiến cổ phiếu đó lao xuống vực sâu.

Cụ thể, ngay sau khi có tin đồn cổ phiếu BMI đã tăng liên tiếp 5 phiên (23-29/9) từ mức giá 25.100 đồng/cp lên 29.200 đồng/cp, tương đương 16,3%. Tỷ lệ thuận với đà tăng của thị giá, thanh khoản trung bình của cổ phiếu BMI cũng đạt hơn 600.000 đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên, tăng 77% so với giai đoạn trước.

Tương tự, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng tăng "thần tốc" gần 40% trong tháng 9 từ mức giá 11.300 đồng/cp lên 15.800 đồng/cp, khối lượng giao dịch của HSG tăng dần trong nửa cuối tháng 9 khi xuất hiện đồng loạt các phiên có khối lượng hàng chục triệu đơn vị.

Đà tăng của HSG dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Hoa Sen sẽ sớm phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược với giá cao, tỷ lệ phát hành tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Đồng thời, cũng có thông tin về việc một tập đoàn đến từ Thái Lan muốn mua cổ phiếu HSG khi doanh nghiệp này có định hướng chiến lược phát triển chuỗi phân phối sản phẩm tôn thép hiện có thành chuỗi phân phối vật liệu xây dựng.

Hay như câu chuyện một nhóm nhà đầu tư muốn thâu tóm CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã: TDH), cũng như muốn gián tiếp sở hữu Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức (Chợ nông sản Thủ Đức).

Được biết, TDH nắm giữ 49% vốn tại Chợ nông sản Thủ Đức với vốn đầu tư là 48 tỷ đồng. Công ty còn có nhiều dự lớn khác như Khu dân cư Cần Giờ, quy mô 29,8 ha; Toà nhà 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM, quy mô 1.238 m2; Khu đô thị Nam Cần Thơ, quy mô 51,32 ha; Khu nhà ở Golden Hill ở Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 8,68 ha...

Một số cổ phiếu khác có câu chuyện tăng vốn thu hút sự chú ý của giới đầu tư có thể kể đến như FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta, GEG của CTCP Điện Gia Lai, BCG của CTCP Bamboo Capital, GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh.

Tin đồn chỉ là tin đồn

Lâu nay, trên thị trường chứng khoán luôn có những tin đồn, đúng hay sai thì sau một thời gian các nhà đầu tư đều nhận thấy được. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức mạnh của tin đồn là thường khiến cho một cổ phiếu nào đó tạo sóng và cũng khiến quyết định giải ngân của các nhà đầu tư dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, việc bỏ qua các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà hướng tới những cổ phiếu có câu chuyện riêng hầu hết đều mang lại cho các nhà đầu tư sự đau thương bởi khi tin đồn được xác thực là giả thì giá của những cổ phiếu này sẽ quay đầu lao dốc.

Thực tế, ngay sau những phiên giao dịch "khủng" của STB, những bên liên quan đều phát đi thông báo phủ nhận tin đồn mua cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cp, đồng thời khẳng định chưa có ý tưởng đầu tư vào Sacombank trong giai đoạn hiện nay.

Hiện, sức nóng của STB đã giảm đi nhiều phần và ngay trong những phiên giao dịch đầu tháng 10, mã này đã giảm liên tiếp 2 phiên, ghi nhận tổng mức giảm là gần 3% hiện đang giao dịch tại vùng giá 13.450 đồng/cp.

Nếu bình tâm suy xét có thể thấy tin đồn xung quanh STB là quá vô lý bởi lẽ nếu muốn mua 180 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng/cp (theo tin đồn), Thaco phải chi đến 3.240 tỷ đồng. Trong khi đó, với mức giá thị trường của STB trước khi tin đồn được phát tán (11.000-12.000 đồng/cp, số tiền chi ra để sở hữu 10% vốn điều lệ của Sacombank quanh mức 2.000-2.200 tỷ đồng.

Theo đó, nếu thực chất muốn sở hữu cổ phiếu STB, Thaco hoàn toàn có thể mua trên sàn với mức giá rẻ hơn tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Tình trạng giảm giá trở lại sau khi tăng bởi tin đồn cũng diễn ra tại TDH, GIL, HBC (Hoà Bình)...có những tin đồn chưa được xác thực thì giá cổ phiếu sẽ rơi vào trạng thái lình xình nhưng vẫn ở mức cao như BMI...

Trong quá khứ, thị trường chứng khoán từng có các tin đồn tưởng sẽ là thật như Vingroup mua Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), Quốc Cường Gia Lai (QCG) triển khai dự án Phước Kiển và bán cho đối tác nước ngoài…khiến giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này "sớm nở, tối tàn".

Nhìn chung, tin đồn có thể khiến một cổ phiếu bước lên đỉnh nhưng cũng có thể khiến cổ phiếu đó lao xuống vực sâu, mọi thứ đều có nguyên nhân, khi tin đồn chưa được xác thực thì bán tín bán nghi nhưng khi đã được xác thực rồi thì "ván đã đóng thuyền".

Trong kịch bản tiêu cực, người thua thiệt luôn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không kịp thoát hàng phải chấp nhận cắt lỗ hoặc chuyển sang đầu tư dài hạn, kỳ vọng về một tương lai tươi sáng...nhưng lại đang ở rất xa.

Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "Cẩn trọng với những cổ phiếu tin đồn" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.