Bà Michelle thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ông Obama

Admin

15/10/2020 14:07

Hồi ký của Michelle Obama kể lại trải nghiệm góp phần tạo nên tố chất riêng của bà, từ tuổi thơ ở Chicago đến những năm tháng giữ vị trí điều hành, bí quyết cân bằng giữa áp lực công việc và gia đình, 8 năm sống tại Nhà Trắng.

Trong nhiều năm, tôi đã đọc các bản tin nói về ứng viên tổng thống đổ về tranh cử ở Iowa, nơi mà họ vụng về chen vào những bàn ăn đầy những người dân giản dị đang dùng cà phê ở những quán bình dân ven đường, tạo dáng ngớ ngẩn trước một con bò được tạc từ bơ có kích thước như thật hoặc ăn các món đồ chiên xiên que ở hội chợ bang.

Nhưng tôi không biết điều gì thật sự có ý nghĩa với cử tri và điều gì chỉ là sự cố ý gây ấn tượng.

Việc của tôi chỉ là chính tôi

Cố vấn của Barack đã cố gắng lý giải sự kỳ lạ của Iowa cho tôi nghe, giải thích rằng sứ mệnh của tôi chủ yếu là dành thời gian với đảng viên đảng Dân chủ ở mọi ngõ ngách của tiểu bang, tiếp cận những nhóm nhỏ, xốc lại tinh thần của các tình nguyện viên và tìm cách thuyết phục những nhà lãnh đạo cộng đồng.

Họ nói rằng người dân Iowa rất coi trọng vai trò đầu tàu chính trị của mình. Họ tìm hiểu các ứng viên và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về chính sách. Vì đã quá quen với sự lôi kéo suốt hàng tháng trời của các ứng viên nên họ cũng không dễ dàng bị chinh phục chỉ bằng một nụ cười và một cái bắt tay.

Tôi được kể rằng một số cử tri nơi đây sẽ kiên trì suốt nhiều tháng với mong muốn có thể trò chuyện trực tiếp với từng ứng viên trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Điều mà người ta không nói với tôi là thông điệp mà tôi nên áp dụng ở Iowa là gì.

Tôi không được trao kịch bản, không được tư vấn về trọng điểm, cũng không nhận được lời khuyên nào. Tôi nghĩ đơn giản là mình phải tự làm những chuyện đó.

Chiến dịch cá nhân đầu tiên của tôi diễn ra vào đầu tháng tư, bên trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Des Moines. Có khoảng vài chục người tập hợp trong phòng khách, một số ngồi trên trường kỷ và những chiếc ghế xếp mà người ta mang đến để dùng cho buổi gặp gỡ này, còn số khác thì ngồi xếp bằng trên sàn.

Lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên với những gì mình thấy khi nhìn lướt qua căn phòng, nhưng tôi đã ngạc nhiên, ít ra là một chút. Trên những chiếc bàn nhỏ đặt cạnh trường kỷ là những tấm khăn trải bàn màu trắng được móc thủ công, loại mà bà ngoại Shields của tôi từng dùng ở nhà bà.

Tôi thấy những bức tượng bằng sứ trông y hệt những bức tượng mà bà Robbie giữ trên những chiếc kệ ở nhà dưới trong căn nhà trên Đại lộ Euclid và không cho chúng tôi đụng vào.

Một người đàn ông ở hàng ghế đầu đang nở nụ cười ấm áp với tôi. Tôi đang ở Iowa nhưng có cảm giác như ở nhà. Tôi nhận ra người Iowa cũng giống như người nhà Shield và nhà Robinson. Họ không chịu được lũ ngốc nghếch. Họ không tin những kẻ kiểu cách sáo rỗng. Họ có thể đánh hơi được một kẻ tầm phào từ rất xa.

Tôi nhận ra rằng việc của mình chỉ là chính mình, là nói như tôi vẫn nói. Và thế là tôi nói.

“Hãy để tôi kể về mình. Tôi là Michelle Obama, tôi lớn lên ở vùng South Side Chicago, trong một căn hộ nhỏ ở tầng trên của một ngôi nhà hai tầng, nơi mang lại cảm giác rất giống với ngôi nhà này. Cha tôi là người vận hành hệ thống ống bơm nước cho thành phố. Mẹ tôi ở nhà nuôi dạy anh trai và tôi".

Tôi nói đủ thứ về anh tôi và những giá trị mà hai chúng tôi được nuôi dạy, về vị luật sư ngôi sao mà tôi đã gặp ở công ty, người đã chiếm lấy trái tim tôi bằng sự điềm tĩnh và tầm nhìn của anh về thế giới, người thường xuyên vứt vớ của mình lung tung trong nhà và đôi khi còn ngáy trong lúc ngủ.

Tôi kể về cách tôi đang duy trì công việc của mình tại bệnh viện, về việc hôm nay khi tôi đang đứng đây thì mẹ đã phải giúp tôi đi đón hai con gái ở trường về.

Ba Michelle noi ve chinh tri anh 1

Bà Michelle Obama. Ảnh: USA Today.

Không dùng lời hoa mỹ che đậy cảm xúc

Tôi không dùng lời hoa mỹ để che đậy cảm xúc của mình về chính trị. Tôi nói rằng chính trường không có chỗ cho người tốt, tôi cho họ biết mâu thuẫn giữa tôi với Barack quanh chuyện anh ấy có nên tranh cử hay không, về nỗi lo lắng không biết sự chú ý của công chúng sẽ ảnh hưởng đến gia đình tôi thế nào.

Nhưng tôi đang đứng trước mặt họ vì tôi tin chồng mình và tin những gì anh ấy có thể thực hiện. Tôi biết anh ấy đọc nhiều đến mức nào và suy nghĩ sâu sắc ra sao. Tôi nói rằng anh ấy chính là vị tổng thống thông minh, tử tế mà tôi sẽ chọn cho đất nước này, kể cả khi tôi thà ích kỷ giữ anh ấy ở gần gia đình hơn suốt những năm qua.

Nhiều tuần trôi qua, tôi vẫn kể lại cùng một câu chuyện ở Davenport, Cedar Rapids, Council Bluffs; ở Sioux City, Marshalltown, Muscatine trong các hiệu sách, trụ sở các nghiệp đoàn công nhân, nhà của cựu chiến binh cao tuổi. Và khi thời tiết ấm áp hơn, tôi nói dưới những mái hiên và trong các công viên. Càng kể câu chuyện của mình nhiều hơn, giọng tôi càng rõ ràng hơn.

Tôi yêu thích câu chuyện của mình. Tôi thoải mái khi kể câu chuyện đó cho mọi người nghe. Và tôi đang kể câu chuyện đó cho những người mà cho dù có sự khác biệt về màu da thì họ vẫn khiến tôi nhớ về gia đình.

Đó là những bưu tá có những ước mơ to lớn như ông nội Dandy từng có; những giáo viên dạy bất cứ điều gì cho gia đình, hệt như cha tôi. Tôi không cần tập dượt hoặc ghi ra giấy. Tôi chỉ cần nói ra những điều trong thâm tâm mình.

Suốt chặng đường này, giới phóng viên và thậm chí một số người quen bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi có chung một nội dung: Tôi có cảm giác gì khi là một người phụ nữ da đen cao một mét tám, tốt nghiệp Ivy League và đứng nói chuyện trong căn phòng đầy những người Iowa da trắng? Cảm giác đó lạ thế nào?

Tôi chưa bao giờ thích câu hỏi này. Dường như câu hỏi đó luôn kèm theo một nụ cười mỉm giả tạo theo kiểu xin - đừng - hiểu - sai mà người ta thường dùng khi nói về vấn đề chủng tộc. Tôi cảm thấy cách suy nghĩ đó hạ thấp tất cả chúng ta, bởi nó cho thấy người ta chỉ nhìn vào sự khác nhau giữa người này và người kia.

Tôi nổi giận chủ yếu vì câu hỏi đó quá đối lập với những gì tôi đang trải nghiệm, và dường như cũng trái với những gì mà những người tôi gặp đang trải nghiệm - chẳng hạn như người đàn ông mặc áo có logo hạt mầm trên túi áo trước ngực, cậu sinh viên đại học mặc chiếc áo len chui đầu có hai màu đen và vàng, hay như bà cụ đã về hưu đang cầm một hộp kem có bánh quy phủ một lớp đường có hình logo mặt trời mọc của chúng tôi.

Những con người này tìm đến tôi sau những buổi nói chuyện, có vẻ háo hức muốn chia sẻ những điểm chung giữa chúng tôi rằng cha của họ cũng sống với chứng đa xơ cứng, hay họ cũng có những người ông người bà giống ông bà tôi.

Nhiều người nói rằng trước đây họ chưa từng tham gia chính trị, nhưng chiến dịch của chúng tôi có điều gì đó mà họ cảm thấy xứng đáng.

Họ nói họ đang dự định trở thành tình nguyện viên ở văn phòng địa phương, và họ cũng sẽ cố gắng thuyết phục vợ chồng mình hoặc một người hàng xóm nào đó đến tham gia.

Đó là những tương tác hết sức tự nhiên và chân thành. Tôi ôm lấy họ theo bản năng và được họ ôm lại, thật chặt.

Bạn đang đọc bài viết "Bà Michelle thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho ông Obama" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.