Có nên chờ đón 'game' chuyển sàn?

Admin

08/09/2020 08:48

Tại mùa Đại hôi đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa qua, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đã được cổ đông thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết. Có thể kể đến những cái tên điển hình như Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR)...

Lâu nay, những chủ trương chuyển sàn niêm yết luôn thu hút được sự quan tâm của dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cổ phiếu có kế hoạch chuyển sàn, đặc biệt là chuyển sang HoSE thường tạo hiệu ứng tăng giá trước sự kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn dưới áp lực từ các điều kiện và nghĩa vụ niêm yết khắt khe.

Chất xúc tác

Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng quản trị ACB đã thông qua triển khai phương án chuyển đăng ký niêm yết toàn bộ cổ phiếu từ HNX sang HoSE. Thời gian thực hiện từ quý III đến khi hoàn tất thủ tục.

Phản ứng với những thông tin này, cổ phiếu ACB đã có những diễn biến tích cực khi tăng từ vùng giá 22.000 đồng/cp lên vùng giá 26.000 đồng/cp trong giai đoạn từ đầu tháng 8 đến trước ngày ngày 20/8 - ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Ngày 21/8 là ngày đăng ký cuối cùng.

Được biết, ACB đã phát hành xong 498,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức lần này. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng.

nha-dau-tu-chung-koan-1880-1599131875.jp

Lựa chọn "game"  nào còn phụ thuộc vào “khẩu vị rủi ro” của mỗi nhà đầu tư.

Hiện, cổ phiếu SHB đã có sự điều chỉnh, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng gấp hơn 2 lần so với đầu năm, khi đang giao dịch tại vùng giá 14.000 đồng/cp.Tương tự ACB, Đại hôi đồng cổ đông của SHB đã thông qua chuyển niêm yết cổ phiếu ngân hàng này từ HNX sang HoSE trong năm 2020. Thực tế, diễn biến của cổ phiếu SHB từ đầu năm đến nay được xem là khá tích cực khi ngược dòng thành công, từ vùng giá hơn 6.000 đồng/cp đã tăng gấp 3 lần lên đến 18.000 đồng/cp (phiên 15/4).

Một cổ phiếu ngân hàng khác là LPB cũng có diễn biến tích cực. Hồi cuối tháng 7, HoSE cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của cổ phiếu này với số lượng gần 977 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 9.760 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian 2 tháng qua, cổ phiếu LPB đã tăng mạnh từ 8.200 đồng/cp lên 9.200 đồng/cp như hiện nay, tương đương tăng 12,2%. Với mức giá này, P/E của LPB chỉ ở mức hơn 5,7 lần - mức thấp so với các cổ phiếu cùng ngành, khối lượng giao dịch ổn định ở mức vài triệu đơn vị/phiên. Điều này đang chứng tỏ được sức hấp dẫn của LPB với dòng tiền.

Cổ phiếu BSR cũng được kỳ vọng khá cao. Hồi đầu tháng 6/2020, HNX đã ra thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Lọc hóa dầu Bình Sơn với số lượng 3,1 tỷ cổ phiếu BSR, tương đương vốn điều lệ 31.004 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, các nhà đầu tư cho rằng, việc BSR “chuyển nhà” từ UPCoM sang HNX là “đường tìm về mệnh giá” của mã cổ phiếu này, bởi sau một thời gian giao dịch, BSR hiện chỉ còn khoảng 6.700 đồng/cp khiến cổ đông thất vọng.

Rủi ro nào chờ đón?

Nhìn vào những diễn biến trên có thể thấy, “game” chuyển sàn thực chất đã mang lại sự tươi mới cho giá trị của cổ phiếu, nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn. Có thực sự thu hút được đầu tư hay không, dòng tiền có ở lâu tại cổ phiếu đó hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp.

Có thể kể đến như cổ phiếu LPB. Bên cạnh những kỳ vọng về việc vượt được mệnh giá (10.000 đồng/cp), thậm chí hướng đến mốc cao hơn từ 10.500 đồng/cp đến 11.000 đồng/cp trong ngắn hạn nếu được chấp thuận niêm yết trên HoSE, cũng có ý kiến cho rằng chưa chắc động thái này sẽ khiến LPB thoát được “kiếp” cổ phiếu có thị giá thấp nhất ngành ngân hàng.

Nhận định như vậy là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong kỳ báo cáo tài chính quý II/2020 vừa qua, bất chấp đại dịch Covid-19 nhưng nhiều ngân hàng vẫn công bố các chỉ tiêu lạc quan với lợi nhuận tăng vọt, trong khi LienVietPostBank lại nằm ngoài xu hướng.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý II/2020 của LienVietPostBank chỉ đạt 321 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 806 tỷ đồng, giảm 92 tỷ đồng, tương đương giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/6/2020, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại LienvietPostBank đạt 152.325 tỷ đồng, tăng 11.802 tỷ đồng, tương đương tăng 8,4% so với thời điểm đầu năm. Thế nhưng, nợ xấu tại ngân hàng lại lên tới 2.505 tỷ đồng, chiếm 1,64% tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 1.738 tỷ đồng, tăng 312 tỷ đồng, tương đương tăng 22% so với hồi đầu năm. Nợ xấu tăng mạnh khiến LienVietPostBank phải chi 216 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ chỉ là 189 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Lọc hóa dầu Bình Sơn, tại một diễn đàn chứng khoán có hàng chục nghìn thành viên là các nhà đầu tư, môi giới, chuyên gia phân tích tham gia đang xôn xao về việc khả năng cổ phiếu BSR khó có thể được HNX chấp thuận niêm yết do khoản lỗ ròng 4.225 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ lãi hơn 704 tỷ đồng).

Theo quy định niêm yết trên HNX, cổ phiếu phải không có lỗ lũy kế tại thời điểm niêm yết. Nếu không xóa được lỗ lũy kế và có lãi trở lại, khả năng BSR ở lại UPCoM “chơi dài” là điều có thể xảy ra. Như vậy, sự kỳ vọng vào “game” chuyển sàn của các nhà đầu tư của BSR sẽ “đổ xuống sông”.

Nhìn chung, với mỗi “game” đầu tư trên thị trường chứng khoán đều có ưu điểm và nhược điểm. Lựa chọn thế nào còn phụ thuộc vào “khẩu vị rủi ro” của mỗi nhà đầu tư, nhưng làm sao để bảo toàn được tài khoản vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết "Có nên chờ đón 'game' chuyển sàn?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.