Cổ phiếu ngành phân bón sẽ sớm 'tỉnh giấc'?

Admin

17/11/2020 09:34

Theo nhận định của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngành phân bón đang có triển vọng khá tích cực trong thời gian tới nhờ sự hỗ trợ của giá dầu, thời tiết, đặc biệt là kỳ vọng về việc sửa đổi những bất cập trong chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) tại Luật số 71/2014/QH13 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất phân bón nội địa.

Kết quả kinh doanh sẽ cải thiện

Trước đó, tại Luật số 71 đã đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đã dẫn đến bất cập là doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón là chi phí sản xuất mặt hàng này trong nước tăng lên, khiến sức cạnh tranh giảm so với hàng nhập khẩu.

co-phieu-phan-bon-1-6855-1605174379.png

Nhiều cổ phiếu ngành phân bón đã ghi nhận mức phục hồi đáng kể trong 2 hơn tháng qua.

Thực chất, việc Quốc hội ban hành Luật này là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất, hướng đến mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện lại mang đến tác dụng ngược khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón “điêu đứng” do tác động không mong muốn của Luật thuế này.

Theo thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ năm 2015, khi phân bón được xếp vào mặt hàng không chịu thuế GTGT, mỗi năm, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã: DPM) không được khấu trừ 1.637 tỷ đồng.

Tương tự, các đơn vị thuộc tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không được khấu trừ tổng cộng khoảng 3.646 tỷ đồng tiền thuế (giai đoạn từ năm 2015-2019).

Theo ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh và về lâu dài sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản và trên hết, thị phần phân bón trong nước sẽ giảm và rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài

Trước những khó khăn hiện hữu cùng sự tích cực kiến nghị sửa đổi Luật thuế của các doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón đã được ra đời và vừa kết thúc lấy ý kiến các doanh nghiệp hồi giữa tháng 10 vừa qua.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71 để phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế, với mức thuế suất là 5%. Nếu được Quốc hội thông qua, mức thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón được kỳ vọng sẽ áp dụng ngay từ đầu năm 2021.

Nếu áp dụng hoàn thuế phân bón 5% thì số thuế được hoàn của các doanh nghiệp trong ngành có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giúp gia tăng đáng kể lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.

Chỉ là kỳ vọng tương lai

Dù được đánh giá là ngành sản xuất tiềm năng, chia cổ tức tiền mặt đều đặn qua hàng năm nhưng chính những khó khăn từ nội tại đã khiến cổ phiếu ngành phân bón trên sàn chứng khoán được mệnh danh là nhóm cổ phiếu phòng thủ khi luôn “bất động” trước các biến động của thị trường cũng như sự thăng hoa của nhiều cổ phiếu khác.

Tuy nhiên, kể từ khi dự thảo Nghị quyết sửa đổi thuế cho ngành phân bón được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dường như đã “đánh thức” các cổ phiếu ngành này khi đồng loạt ghi nhận mức tăng đáng kể.

Dẫn đầu đà phục hồi ấn tượng của các cổ phiếu phân bón là cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau. Tính đến thời điểm hiện tại, DCM đang có mức giá 12.650 đồng/cp, tăng gần 44% so với hồi đầu tháng 9 và tăng gần 140% so với mức đáy hồi cuối tháng 3.

Tiếp đến là cổ phiếu BFC của CTCP Phân bón Bình Điền với mức tăng gần 7% trong hơn 2 tháng qua và tăng 62,5% so với mức đáy cuối quý I. Cổ phiếu DPM cũng có diễn biến tăng tương tự như BFC.

Thực tế, đối với các nhà đầu tư chứng khoán, trước mỗi quyết định mua bán họ thường nhìn vào khả năng làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn những yếu tố khác. Những doanh nghiệp được hứa hẹn sẽ có lợi nhuận tăng trưởng luôn được thị trường đón nhận với thái độ tích cực và ngược lại.

Do đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành phân bón thời gian qua đã phản ánh hết kỳ vọng của giới đầu tư vào việc Nhà nước “gỡ khó” cho doanh nghiệp cùng với đó là những điểm sáng về nguyên liệu đầu vào, thị trường...

Rõ ràng, nếu Luật mới được áp dụng, chi phí của các doanh nghiệp ngành phân bón sẽ được giảm từ đó kéo lợi nhuận tăng trưởng. Mặc dù, con số lợi nhuận sẽ tăng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào yếu tố giá bán.

Cũng phải nhắc lại, dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi Luật số 71 có một chi tiết cần lưu ý là Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thực hiện các giải pháp giảm giá thành để hỗ trợ chi phí đầu vào cho nông dân nên việc tăng giá bán các sản phẩm phân bón có thể gặp trở ngại.

Nhận định về vấn đề này, ông Đặng Trần Phục - chuyên gia tư vấn đầu tư VNDirect cho rằng, chuyện các doanh nghiệp phân bón có thể tăng trưởng lợi nhuận cao trở lại như trước năm 2015 nhờ sửa đổi thuế vẫn chỉ là kỳ vọng trong tương lai dù tính khả thi của Luật là ở mức cao.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu ngành phân bón sẽ sớm 'tỉnh giấc'?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.