Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trị giá hơn 300 tỷ đồng

Admin

28/11/2024 07:00

Dự án này được thực hiện trên diện tích 49 ha thuộc khu quy hoạch xây dựng Đại học Đà Nẵng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng cho các công trình của Đại học Đà Nẵng trong tương lai.

Ngày 25/11, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Lễ Khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc.

Ông Nguyễn Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA – Đại học Đà Nẵng, cho biết, hạng mục hạ tầng kỹ thuật này có tổng giá trị xây lắp và thiết bị hơn 300 tỷ đồng và là hạng mục đầu tiên cần triển khai trong tổng số 7 hạng mục xây dựng của dự án. 

Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trị giá hơn 300 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA – Đại học Đà Nẵng.

"Dự án không chỉ nâng cao vị thế của ĐHĐN mà còn mở ra cơ hội để trường phát triển thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng trong tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ của đất nước," ông Hiệp chia sẻ.

Các hạng mục chính của công trình bao gồm: san nền trên diện tích khoảng 32 ha; xây dựng 8 tuyến đường với tổng chiều dài 4.750m; hệ thống thoát nước mưa dài 8.300m; hệ thống thoát nước thải dài hơn 4.500m; trạm xử lý nước thải công suất 275 m³/ngày đêm; hệ thống cấp nước và phòng cháy chữa cháy dài gần 5.000m; hệ thống cấp điện với tuyến cáp trung thế dài khoảng 3.200m cùng với hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc và camera giám sát hiện đại.

Lễ khởi công Đại học Đà Nẵng

Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Lễ Khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc.

Hạng mục khi hoàn thành sẽ tạo nền tảng hạ tầng vững chắc, phục vụ cho việc triển khai xây dựng các công trình tiếp theo của Đại học Đà Nẵng, đặc biệt là 6 hạng mục còn lại trong dự án này.

Dự án được thực hiện qua đấu thầu rộng rãi, với hai liên danh nhà thầu đáp ứng các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm. Các nhà thầu gồm: Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO, Công ty Cổ phần VINADELTA, Công ty Cổ phần Kỹ thuật điện Toàn cầu và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật điện Minh Cường Thịnh.

Khi hoàn thành, công trình hạ tầng kỹ thuật này sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ sở vật chất của ĐHĐN, gia tăng hiệu quả sử dụng các công trình hiện hữu và mở đường cho các dự án quy mô lớn trong tương lai. ĐHĐN kỳ vọng rằng dự án sẽ tạo dựng một môi trường học thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trị giá hơn 300 tỷ đồng- Ảnh 3.

Khi hoàn thành, công trình hạ tầng kỹ thuật này sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ sở vật chất của ĐHĐN.

Dự án Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc là một phần trong tổng thể dự án được thực hiện từ nguồn vốn hỗn hợp, bao gồm vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước. 

Tổng mức đầu tư cho dự án lên đến hơn 2.767 tỷ đồng (tương đương trên 117 triệu USD). Đây là dự án nhóm A trọng điểm quốc gia, mang tính chiến lược trong việc phát triển giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Việt Nam. 

Đà Nẵng: Sinh viên Đại học Duy Tân tốt nghiệp gặp khó với phôi bằng “Bác sĩ Nha khoa”Bàn giao mặt bằng liên quan Làng Đại học Đà NẵngThông tin mới về Dự án khu đô thị Đại học Đà Nẵng treo 27 năm

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 741 ngày 02/6/2020, điều chỉnh tại Quyết định số 1060 ngày 21/7/2020. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phê duyệt Tiểu Dự án 1 tại Quyết định số 3760 ngày 29/10/2021.

Với mục tiêu cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, dự án sẽ giúp ĐHĐN trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của giáo dục đại học tại Việt Nam.