Điện mặt trời tự sản tự tiêu: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp biết nắm bắt

12/11/2024 08:07

Theo ông Nguyễn Quang Minh, mặc dù điện mặt trời áp mái ở Việt Nam không mới nhưng mô hình, cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu lần này lại là cơ chế mới.

Sự mong chờ của doanh nghiệp

Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Đặc biệt, Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực đánh giá Nghị định số 135/2024 đã tạo điều kiện thông thoáng, cắt giảm một số thủ tục để khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân khi đầu tư, phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Điện mặt trời tự sản tự tiêu: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp biết nắm bắt- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực.

Cụ thể, doanh nghiệp khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể chủ động việc đảm bảo cung cấp điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của chính mình. Về mặt tài chính, ngoài việc giảm thiểu chi phí mua điện, doanh nghiệp thậm chí còn có thể có thêm lợi nhuận trong trường hợp bán lại điện dư cho EVN.

“Với doanh nghiệp sản xuất, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ giúp sản phẩm của doanh nghiệp được xem là sản phẩm được sản xuất từ điện xanh, sạch. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng cơ hội xuất khẩu, hội nhập quốc tế”, ông Minh đề cập thêm.

Là một đơn vị chuyên lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà dành cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, đại diện Công nghệ Thế kỷ Bắc Giang cho biết nhiều khu, cụm công nghiệp đang chờ nghị định được ban hành để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. 

Thời điểm năm 2019, Việt Nam có chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời và có cho phép hòa lưới, đấu lưới nhưng sau đó đã dừng lại. Cho đến hiện tại, nội dung Nghị định này mới chính thức thông qua việc hòa lưới lại điện mặt trời.

điện mặt trời

Tuổi thọ trung bình của hệ thống điện mặt trời là khoảng 15-20 năm.

“Về bản chất, khi doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời có rất nhiều lợi ích. Ngoài việc được cấp chứng chỉ xanh để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời cũng góp phần giảm tải áp lực cho điện lưới quốc gia đồng thời tiết kiệm được chi phí hơn”, đại diện Thế kỷ Bắc Giang nhấn mạnh.

Theo đó, tùy vào những thương hiệu khác nhau, tuổi thọ trung bình của hệ thống điện mặt trời là khoảng 15-20 năm. Ngay cả ở miền Bắc với điều kiện khí hậu không quá thuận lợi, sau khoảng 8 năm doanh nghiệp sẽ thu hồi được vốn.

“Vẫn cần chờ những hướng dẫn”

Ông Nguyễn Quang Minh cho biết về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, đấu nối, vận hành và quản lý hệ thống điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng trong hệ thống điện quốc gia. Hiện nay chúng ta đã có hơn 16.000MW điện mặt trời trong hệ thống điện. Đặc biệt, công nghệ điện mặt trời đã rất phát triển, có thể tự động quản lý vận hành từ xa.

Về mặt pháp lý, Nghị định 135/2024 cũng đã quy định khá rõ các quy định, quy trình các đơn vị cần thực hiện. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nên cần có thêm thời gian để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu kỹ và áp dụng phù hợp.

Trong các khu công nghiệp, khi doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thì tất nhiên quyền sở hữu hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu sẽ thuộc về doanh nghiệp. Tuy nhiên, về mặt quản lý, hiện tại có các mô hình kinh doanh và cung cấp điện trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là khác nhau.

Theo đó, các mô hình phổ biến như sau: Thứ nhất, EVN và đơn vị trực thuộc EVN bán điện trực tiếp cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; mô hình thứ 2 là chủ khu công nghiệp hoặc bên thứ 3 sẽ quản lý vận hành và được cấp giấy phép điện lực để mua điện từ EVN và bán lại cho các khách hàng trong khu công nghiệp.

Điện mặt trời tự sản tự tiêu: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp biết nắm bắt- Ảnh 3.

Về mặt quản lý, hiện tại có các mô hình kinh doanh và cung cấp điện trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là khác nhau.

Vì vậy khi đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và có bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia, doanh nghiệp cần phải đạt được những thỏa thuận thống nhất trong từng trường hợp cụ thể.

“Mặc dù điện mặt trời áp mái ở Việt Nam không mới nhưng mô hình, cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu lần này lại là cơ chế mới. Thực tế vẫn cần chờ những hướng dẫn của Bộ Công Thương hoặc EVN như việc xác định lượng điện dư bán lên lưới điện tương ứng với 20% công suất lắp đặt thực tế là như thế nào”, ông Minh nhấn mạnh.

Đồng thời, đại diện Thế kỷ Bắc Giang cũng cho biết dù Nghị định đã ban hành nhưng văn bản hướng dẫn cụ thể thì chưa có. Vì vậy, các đơn vị thuộc EVN cũng chưa có cơ sở, chưa có văn bản hướng dẫn nên chưa cho phép doanh nghiệp đấu nối để hòa lưới và phục vụ lợi ích bán điện.

“Vì vậy cần có những quy định cụ thể hơn, ví dụ như liên quan đến việc cấp phép cho xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Vì khi lắp đặt hệ thống thì liên quan đến cả phần hiệu lực của khung, của máy. Phía tỉnh, điện lực tỉnh cũng cần có quy định liên quan việc cấp phép lắp đặt và xác định rõ các đối tượng khác nhau để doanh nghiệp không bị lúng túng trong quá trình lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.

Hướng tới mục tiêu giảm phát thải

Hiện tại, Việt Nam có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Trong đó, có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.

Như vậy, tiềm năng phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu tại các nhóm khách hàng này là rất lớn, là cơ hội để phát triển sản xuất gắn với tăng trưởng xanh.

Đơn cử, dựa trên định hướng từ Honda Motor, Honda Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 46% CO2 so với năm 2019 và tiến tới trung hòa Carbon vào năm 2050. Để đạt được những mục tiêu này, Honda Việt Nam áp dụng 2 chiến lược chính là Tăng cường các hoạt động tiết kiệm năng lượng và Phát triển nguồn năng lượng sạch.

Điện mặt trời tự sản tự tiêu: Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp biết nắm bắt- Ảnh 4.

Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Nhà máy Honda Hà Nam.

Trong năm 2023, Honda Việt Nam đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái tại 2 nhà máy Vĩnh Phúc và Hà Nam với tổng công suất 8 MWp, góp phần giảm sử dụng điện lưới Quốc gia hơn 7,5 triệu kWh/năm, tương đương giảm khoảng 4.700 tấn CO2/ năm.

Mặc dù điện mặt trời áp mái ở Việt Nam không mới nhưng mô hình, cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu lần này lại là cơ chế mới. Vì vậy, ông Nguyễn Quang Minh đánh giá thực tế vẫn cần chờ những hướng dẫn của Bộ Công Thương hoặc EVN như việc xác định lượng điện dư bán lên lưới điện tương ứng với 20% công suất lắp đặt thực tế là như thế nào,

“Điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu theo Nghị định 135 và quy mô quy hoạch điện VIII cùng với kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chỉ cho phép khoảng 2.600 MW đối với các hệ thống có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Do đó, đây không phải quy mô quá lớn để đóng vai trò quan trọng để thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, Net-zero hay chuyển dịch năng lượng”, ông Minh chia sẻ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương hoàn thiện Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhàXem xét gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra

Dù vậy, trong tương lai, nếu có những điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nói riêng thì có thể góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần phải có những giải pháp kỹ thuật và quản lý vận hành, đồng thời có dự phòng từ các nguồn điện truyền thống hoặc giải pháp lưu trữ năng lượng để có thể tích hợp một cách an toàn, ổn định, tin cậy quy mô lớn và phân tán của các hệ thống điện mặt trời áp mái trong hệ thống điện quốc gia.

Chiều 4/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Hội nghị trực tuyến phổ biến toàn quốc về Nghị định 135/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Nghị định số 135/2024 ra đời đã đáp ứng được sự chờ đợi của cộng đồng doanh nghiệp ngành điện trong và ngoài nước; từng bước đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của người dân, cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Việc sớm đưa Nghị định số 135/2024 vào cuộc sống sẽ giúp Việt Nam huy động được thêm các nguồn lực xã hội, các nguồn đầu tư nước ngoài tham gia vào việc phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia.