Ai dẫn đầu thị trường thanh toán không tiền mặt Việt Nam?

08/11/2024 05:30

Giao dịch thẻ và tài khoản vẫn chiếm phần lớn thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, tuy nhiên, QR Code đang là loại hình thanh toán có mức tăng trưởng cao nhất.

Thanh toán QR Code bùng nổ trong năm 2023 với gần 183 triệu lượt giao dịch. Ảnh: Napas.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Nhiều nhà băng cũng đã có trên 95% lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Tại hầu hết điểm giao dịch từ chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng bán lẻ... đều đã trang bị QR Code tại quầy thu ngân. Với hình thức thanh toán này, khách hàng chỉ cần thao tác quét mã để thanh toán tiền mà không mất thời gian nhập thông tin chuyển tiền khi giao dịch.

QR Code "lên ngôi"

Chính sự thuận tiện và an toàn khi giao dịch giúp phương thức thanh toán QR Code phát triển bùng nổ tại thị trường trong nước từ khi xuất hiện.

Theo số liệu của Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ giao dịch, với tổng giá trị lên tới hơn 66 triệu tỷ đồng.

Chiếm thị phần lớn nhất trong số này vẫn là các kênh thanh toán phổ biến như thẻ ngân hàng, chuyển khoản internet banking, mobile banking. Với gần 145,8 triệu thẻ đang lưu hành, tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2023 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18%.

Trong khi đó, số lượng giao dịch qua QR Code đạt khoảng 183 triệu giao dịch, tăng mạnh 170% so với năm trước; tổng giá trị giao dịch qua QR Code đạt khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng 74%. Giao dịch thanh toán trực tuyến (Ecom) đạt khoảng 210 triệu giao dịch, tăng 15% và tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 150.000 tỷ đồng.

Theo thống kê, số lượng giao dịch thanh toán qua QR Code bình quân giai đoạn 2017-2023 luôn duy trì mức tăng trưởng trên 100%/năm, thuộc nhóm cao nhất trong các hình thức thanh toán không tiền mặt. Trong đó, riêng năm 2023 được xem là năm bùng nổ của phương thức thanh toán này.

Khảo sát của Payoo cũng cho thấy hình thức thanh toán QR Code đang nắm giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng khi giá trị giao dịch tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong cùng khoảng thời gian, giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30%, ví điện tử tăng khoảng 40%.

QR Code anh 1

Thanh toán QR Code tăng trưởng vượt trội so với các loại hình thanh toán khác như thẻ ngân hàng, ví điện tử... Ảnh: New York Times.

Năm nay, thanh toán qua mã QR vẫn giữ mức tăng trưởng rất cao.

Theo báo cáo của NHNN, trong 8 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 59% về số lượng và tăng 34% về giá trị, trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng gần 51% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại tăng 59% về số lượng và 37% về giá trị.

Đặc biệt, thanh toán qua QR Code tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 3 chữ số, với mức tăng 109% về số lượng và 111% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Ngược lại với xu hướng tăng của giao dịch qua QR Code, giao dịch qua ATM, POS đều ghi nhận giảm từ đầu năm nay.

QR Code sẽ sớm vượt ví điện tử?

Dù xét về giá trị giao dịch thanh toán, kênh QR Code hiện vẫn thấp hơn so với các ví điện tử, tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng 3 chữ số hàng năm, các tổ chức tài chính đều dự báo thanh toán QR Code sẽ sớm vượt ví điện tử.

Tại thị trường Việt Nam, khảo sát của Tổ chức thẻ Visa cho thấy thanh toán qua QR Code được hơn 62% người dùng ưa chuộng. Trung bình mỗi người sẽ quét mã QR 16 lần/tháng, cao hơn mức sử dụng thẻ, hiện ở mức 12-13 lần/tháng.

Đáng chú ý, phương thức thanh toán mã QR hiện chủ yếu được thực hiện thông qua giao dịch tại các app banking. Bất chấp hình thức này không có nhiều khuyến mãi, voucher, tích điểm hay quà tặng như ví điện tử.

Bản thân các ngân hàng cũng không có hệ sinh thái mua sắm, giải trí và thanh toán tiện lợi nếu so sánh với hệ sinh thái mà các ví điện tử đang liên kết.

Tuy nhiên, hình thức thanh toán QR Code qua app banking vẫn được ưa chuộng hơn so với thanh toán qua ví điện tử do có lợi thế quan trọng là tính năng thanh toán liền mạch.

Cụ thể, hình thức thanh toán QR Code cho phép người dùng dễ dàng giao dịch chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản cá nhân sang tài khoản người cung cấp dịch vụ mà không cần tốn thời gian cho bước nạp tiền vào ví.

Cũng trong vài năm trở lại đây, bên cạnh các giao dịch ngân hàng truyền thống, các nhà băng đã bắt tay với công ty fintech để nhúng nhiều tính năng thiết yếu liên quan tới thanh toán hóa đơn vào app banking như thanh toán hóa đơn (điện, nước, Internet, truyền hình...); đặt xe, vé máy bay, phòng khách hàng; hay các dịch vụ tài chính cơ bản (bảo hiểm, tiết kiệm, đầu tư...).

Nhiều app mobile của ngân hàng hiện nay có đa dạng tiện ích thanh toán không khác gì một ví điện tử. Đây được coi là lợi thế cạnh tranh giúp dịch vụ thanh toán QR Code qua app ngân hàng dù không cần “đốt tiền” cho khuyến mại vẫn chiếm lĩnh được phần lớn thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.