Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ khối tài sản lớn nhưng hoạt động thua tư nhân

Admin

02/12/2024 05:37

ĐBQH cho rằng, cần có một cơ chế mới quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc "ở đâu có tiền Nhà nước đầu tư thì phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó".

Chiều 29/11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cơ chế quản lý với doanh nghiệp Nhà nước còn chưa chồng chéo

Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu đoàn Hà Nội đánh giá, doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn tài sản rất lớn trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên hoạt động kém hiệu quả và thua so với các doanh nghiệp tư nhân.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên, theo ông Cường là cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước hiện nay còn chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc các doanh nghiệp.

"Tuy chặt chẽ, trói buộc nhưng tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước bị thất thoát thì vẫn không phát hiện kịp thời và khi phát hiện thì không quy được trách nhiệm, khi quy trách nhiệm xử lý được cá nhân thì tiền cũng đã mất rồi", ông Cường nói.

Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ khối tài sản lớn nhưng hoạt động thua tư nhân- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Cường đồng tình với sự cần thiết phải sửa căn bản luật để tạo một cơ chế quản lý mới. Mục tiêu vừa tạo cơ chế thông thoáng, vừa quản lý có hiệu quả tiền vốn Nhà nước theo nguyên tắc "ở đâu có tiền Nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó".

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng đối tượng áp dụng doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chưa đáp ứng được yêu cầu, nên cần mở rộng đối tượng để quản lý, giám sát cả doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và doanh nghiệp F2, F3.

Bên cạnh đó, việc xác định trách nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là "một nhóm người" là chưa phù hợp, không phát huy được vai trò của người đứng đầu, không xác định được trách nhiệm cá nhân nếu tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp bị thất thoát.

Tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp Nhà nước đạt gần 980.000 tỷ đồng

Về phân phối lợi nhuận, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao, vì tất cả đều được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi.

Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp.

Do vậy, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng. Phần còn lại mới phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh.

Tăng cường kiểm tra vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) nhắc lại, giai đoạn 2008-2009, trên thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính và khủng hoảng bất động sản, ảnh hưởng toàn cầu và lan rộng tới Việt Nam, kinh tế vĩ mô Việt Nam bất ổn; năm 2008 lạm phát 23%, năm 2011 là 20%, nợ công tăng, tỉ giá biến động bất thường.

Từ đó, chúng ta mới xác định nguyên nhân do đầu tư công tràn lan, một số ngân hàng thương mại cổ phần kém hiệu quả và một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ.

Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI tháng 10/2011, Đảng ta đã ra nghị quyết để tái cơ cấu nền kinh tế và trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước, từ đó Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) đã ra đời nhằm mục tiêu thắt chặt, siết chặt, quản lý chặt chẽ vốn doanh nghiệp Nhà nước.

"Từ đó chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn, cho nên đến nay doanh nghiệp Nhà nước đã giảm đi rất nhiều", ông Ngân nói.

Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ khối tài sản lớn nhưng hoạt động thua tư nhân- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Tp.HCM (Ảnh: Media Quốc hội).

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính số 86 ngày 17/4/2024, ông Ngân cho biết hiện còn 478 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, 198 doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ 50% trở lên và 151 doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%, với tổng vốn chủ sở hữu là 1.845.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao mà chúng ta đang bàn là 1.700.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp là 247.905 tỷ đồng và nộp ngân sách là 391.000 tỷ đồng.

"Nói như vậy để chúng ta thấy bên cạnh một số doanh nghiệp thua lỗ, vẫn có những doanh nghiệp hiệu quả và chúng ta cần phải có một luật để phát huy được hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước", ông Ngân nói thêm.

Ông Ngân cho biết, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật như đã quy định trong Luật Doanh nghiệp. Vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp phải được tăng cường kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ. Do đó, trong quy định luật chúng ta phải tăng cường công tác giám sát và đặc biệt là công tác giám sát từ xa", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu.