Cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn tại phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG- Ảnh: NAM TRẦN
Hôm nay 12-12, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng được tổ chức trực tuyến với khoảng 5.000 đại biểu. Trong đó, điểm tập trung là hội trường Bộ Quốc phòng với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu, cùng với đó là 82 điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành phố...
Có công thì thưởng, có tội thì phải bị xử lý nghiêm, không ai đứng trên pháp luật và không ai đứng ngoài pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Ông Nguyễn Thái Học (phó trưởng Ban Nội chính trung ương)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - chia sẻ:
- Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị trung ương 5 khóa XI (năm 2012) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm trưởng ban. Đây là quyết định mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đấu tranh PCTN.
Ông Nguyễn Thái Học
Không "sạch" thì không thể quyết liệt!
* Quyết định này đã đem lại những chuyển biến gì cho công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay?
- Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai", "đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử".
Vì vậy, trong thời gian qua, đối với hành vi tham nhũng, đã vi phạm thì bất kể là ai, dù cán bộ cao cấp hay cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang... cũng phải xử lý nghiêm.
Đây là điều mà trước đây chưa thực hiện được. Lâu nay, dư luận thường cho rằng "chỉ tắm từ cổ trở xuống" là vậy, nghĩa là có những người nghĩ ở cương vị đó là "bất khả xâm phạm".
Trước đây, trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, thường chỉ tập trung xác định hành vi phạm tội, tội danh, mức án, mà ít quan tâm đến việc thu hồi tài sản, nên tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt thấp.
Thực tế, việc xử lý quan chức tham nhũng thế nào người dân rất quan tâm, nhưng điều người dân quan tâm hơn là tài sản do quan chức tham nhũng, chiếm đoạt, làm thất thoát đó được thu hồi ra sao.
Chính từ đòi hỏi của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn điều tra, xác minh vụ việc, vụ án.
Ban Chỉ đạo đã thành lập hơn 80 đoàn để kiểm tra, giám sát ở hơn 100 lượt cấp ủy, tổ chức Đảng về PCTN, trong đó nhằm thu hồi được tối đa tài sản bị thiệt hại, thất thoát do tham nhũng.
Vì vậy, nếu như trước năm 2013, tỉ lệ thu hồi chỉ đạt dưới 10% thì từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ thu hồi trong giai đoạn thi hành án đạt hơn 32%. Nhiều vụ án, vụ việc thu hồi đạt tỉ lệ rất cao, như vụ án xảy ra tại AVG thu hồi được 100% tài sản bị thiệt hại.
Trước tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thì chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, nhưng về lâu dài vẫn chú trọng giải pháp phòng ngừa.
Do vậy, cần đề cao xây dựng thể chế chặt chẽ, đồng bộ, "nhốt quyền lực vào lồng thể chế" để PCTN.
Từ năm 2013 đến nay, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 200 văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, thông qua 259 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng ngàn nghị định, nghị quyết, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử gần đây - Ảnh: TL
* Ông có tin tưởng việc PCTN sẽ tiếp nối tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" trong thời gian tới?
- Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội vẫn còn tâm lý lo ngại rằng, liệu trong thời gian tới, cuộc đấu tranh này có được tiếp tục duy trì, "không ngừng", "không nghỉ", "không chùng xuống" với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" như vừa qua? Đây là sự quan tâm, lo lắng chính đáng của nhân dân mà Tổng Bí thư luôn nêu ra trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Công cuộc PCTN đã tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân, "đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại" thì khó có một sức mạnh nào, một thế lực nào, một cá nhân nào có thể cản trở, trì hoãn.
Dựa vào kết quả đạt được và sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống tham nhũng không thể "tụt lùi", "đảo ngược", mà chỉ có thể làm tốt hơn thôi.
* PCTN hiệu quả phải đồng bộ từ trên xuống dưới. Muốn tạo sự đồng bộ, đều tay, không lo "trên nóng, dưới lạnh" thì giải pháp quan trọng nhất là gì, thưa ông?
- Tổng bí thư, trưởng Ban Chỉ đạo, đã nhiều lần nhấn mạnh PCTN là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, không thể chỉ do một vài người làm, cũng không chỉ có các cơ quan chức năng làm, mà đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Để tạo được sự đồng lòng, nhất trí, quan trọng nhất phải có quyết tâm chính trị của "cơ quan chỉ huy tối cao" của Đảng và người đứng đầu. Chỉ khi nào người đứng đầu gương mẫu, vô tư trong sáng thì bộ máy PCTN mới vận hành hiệu quả.
Chúng ta có đầy đủ, từ thể chế, lực lượng, quần chúng nhân dân là "tai mắt" của Đảng, ở đâu cũng có, nhưng chỉ khi nào và ở đâu cấp ủy và người đứng đầu thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt, vô tư, trong sáng thì ở đó mới có sự chuyển động thật sự trong công tác đấu tranh PCTN.
Thời gian vừa qua, nhiều địa phương, đơn vị không phát hiện và xử lý được tham nhũng thì cũng cần phải xem lại vai trò cấp ủy và người đứng đầu.
Người đứng đầu phải có bản lĩnh và sự trong sáng, nghĩa là có đủ cả dũng khí và sự liêm chính thì mới đấu tranh PCTN được; nếu không "liêm", không "sạch", không có dũng khí thì không thể quyết liệt chống tham nhũng.
Các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xư gần đây - Ảnh: TL
Không ngừng, không nghỉ
* Từ giờ đến cuối năm, thường trực Ban Chỉ đạo trung ương PCTN đã chỉ đạo khẩn trương kết thúc điều tra một số vụ và hoàn thành việc xét xử sơ thẩm một số vụ án. Thời điểm này, có vụ đang được đưa ra xét xử như vụ án nâng giá mua thiết bị y tế tại CDC Hà Nội. Khối lượng công việc tương đối lớn, liệu có hoàn thành theo kế hoạch, thưa ông?
- Đúng là thời gian từ nay đến cuối năm không còn dài, nhưng khối lượng công việc phải xử lý rất nhiều. Hiện nay các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Ở một số vụ việc, vụ án vẫn có một số khó khăn, nhưng vừa qua thường trực Ban Chỉ đạo đã họp, thống nhất biện pháp chỉ đạo tháo gỡ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo, của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, sự đòi hỏi của nhân dân và quyết tâm cao của các cơ quan chức năng, rõ đến đâu xử lý đến đó, nên dù công việc nhiều và đòi hỏi cao, việc xử lý các vụ án vẫn sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
* Đâu là khó khăn trong việc điều tra đến cùng các vụ án tham nhũng trọng điểm, đang được dư luận quan tâm mà ông vừa đề cập?
- Khó khăn lớn hiện nay làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án có liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản. Một trong những yêu cầu khi xem xét xử lý tội phạm là có hành vi vi phạm nhưng phải chứng minh được hậu quả thiệt hại thông qua công tác giám định, định giá tài sản.
Nhiều vụ việc đến nay tài sản không còn hoặc còn nhưng chúng ta không thể giám định được thiệt hại thế nào. Nhiều vụ án xảy ra từ lâu nhưng nay mới phát hiện xử lý thì phải đặt trong bối cảnh tại thời điểm đó như thế nào, tình hình lúc đó ra sao...
* Liệu công cuộc đấu tranh này có đi đến ngày không còn tham nhũng?
- Sẽ không bao giờ hết tham nhũng vì tham nhũng được coi là khuyết tật của quyền lực. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ phát sinh tham nhũng. Nếu như có thể chế tốt, có nhiều giải pháp kiềm chế, phòng ngừa chặt chẽ, nghiêm ngặt thì tham nhũng ở đó khó có cơ hội để phát triển, chứ không thể kỳ vọng một xã hội hoàn toàn không còn tham nhũng.
* Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ông kỳ vọng "lửa" của hội nghị sẽ được chuyển tải thế nào vào nghị quyết đại hội sắp tới?
- Một trong những yêu cầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước khi chỉ đạo tổ chức hội nghị này là tổng kết kết quả đã đạt được trong thời gian qua và xác định mục tiêu phương hướng thời gian tới. Kết quả thời gian qua là tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.
Còn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương hướng trong cuộc đấu tranh PCTN nhiệm kỳ tới là "phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn".
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN lần này diễn ra trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII có ý nghĩa hết sức quan trọng để khẳng định và lan tỏa tinh thần đấu tranh PCTN "không ngừng", "không nghỉ".
Việc PCTN không dễ dàng, nhưng dựa trên nền tảng có được, chúng ta vững tin rằng mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng sẽ được thực hiện.
Đã khởi tố, điều tra 1.985 vụ
Từ năm 2013 đến nay, đã khởi tố, điều tra 1.985 vụ/44.312 bị can, truy tố 1.998 vụ/4.635 bị can, xét xử sơ thẩm 1.899 vụ/4.386 bị cáo về tội tham nhũng.
Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, xét xử phúc thẩm 61 vụ án/581 bị cáo.
'Lò' tiếp tục cháy, công tác phòng chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ