Tại sao khi bẻ khớp tay lại có âm thanh?

Admin

12/10/2020 14:52

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mỗi lần "bẻ khục tay" lại có âm thanh tách tách vui tai hay không?

Các nhà nghiên cứu tại đại học Alberta, Canada, hồi tháng 4/2015 sử dụng ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát những gì xảy ra khi bẻ khớp đốt ngón tay trong khoảng thời gian dưới 310 mili giây để tìm ra nguyên nhân tại sao khi bẻ khớp ngón tay lại phát ra âm thanh.

Nguyên nhân âm thanh bốp bốp phát ra khi kéo căng khớp chính là vì trong khớp có bong bóng. Các khớp trong ngón tay của bạn là những khớp dễ bẻ nhất, tuy nhiên nhiều người cũng hay bẻ các khớp đốt sống cổ, khớp lưng, cả các khớp hông, cổ tay, vai và các khớp khác.

Sức khỏe - Tại sao khi bẻ khớp tay lại có âm thanh?

Sở dĩ có các tiếng kêu này là vì hầu hết khớp xương của con người đều bao gồm các túi nhỏ hoặc khoảng trống chứa đựng hoạt dịch khớp. Khi chúng ta bẻ khớp, không gian trống giữa các khớp xương giãn ra, áp suất giảm, đồng thời hút chất hoạt dịch khớp vào khoảng trống đó tạo nên tiếng kêu rắc mà chúng ta thường nghe.

Ngoài ra, đây cũng có thể là tiếng bật của các dây chằng khi bị kéo căng hoặc do sự chà xát mạnh giữa hai khớp xương tạo ra.

"Khi bề mặt khớp đột nhiên tách ra, không có nhiều chất lỏng để lấp đầy thể tích đang tăng lên giữa các khớp. Do đó một khoang rỗng hình thành và quá trình này tạo ra âm thanh", Greg Kawchuk, giáo sư tại Khoa Phục hồi chức năng, đại học Alberta cho biết.

Bẻ khớp ngón tay là thói quen của rất nhiều người khi cảm thấy các khớp co cứng, tê mỏi. Tuy nhiên, đây là thói quen xấu có thể gây nên các bệnh xương khớp nguy hiểm.

Khi bạn bẻ đốt ngón tay, các dây chằng sẽ bị kéo giãn đột ngột. Một số trường hợp, lực bẻ khớp quá mạnh làm dây chằng bị giãn quá ngưỡng. Nếu cứ duy trì thói quen như vậy liên tục, dây chằng sẽ mất đi sự đàn hồi, khiến các khớp trở nên lỏng lẻo, làm gia tăng nguy cơ viêm khớp.

Hành động nắn, bẻ khớp tay sẽ làm hao mòn tế bào sụn, khiến các gai xương mọc ra, tác động đến các mô xung quanh khớp gây đau nhức, viêm sưng ngón tay. Khi tuổi càng cao, hệ dây chằng, gân, sụn trở nên kém linh động, dễ tổn thương hơn nên việc vặn bẻ khớp sẽ làm gia tăng tốc độ thoái hóa khớp.

Mặc dù bẻ khớp ngón tay, đốt tay giúp chúng ta cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn, nhưng tốt nhất không nên thực hiện các hành động này. Bởi về lâu dài, đây sẽ là tác nhân gây hại cho bề mặt sụn, làm phá huỷ khớp.

Trang Dung (Nguồn Business Insider)

Bạn đang đọc bài viết "Tại sao khi bẻ khớp tay lại có âm thanh?" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.