Thủ tướng tham gia tọa đàm về phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM tại Thụy Sĩ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại Tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM” tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ), các đại biểu đã tập trung thảo luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất thông minh và hợp tác cùng Trung tâm C4IR; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hợp tác trung tâm tài chính của đối tác nước ngoài, cơ hội hợp tác phát triển cùng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM; khuyến nghị cho Việt Nam và các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, hạ tầng số…
Thành phố cũng đang hình thành cơ chế khuyến khích trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tháng 9/2024, với sự phối hợp của WEF, Trung tâm C4IR (Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4) TP.HCM đã hình thành và đi vào hoạt động với mục tiêu hướng tới thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại.
Bí thư TP.HCM khẳng định mục tiêu đưa TP.HCM trở thành thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước.
Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Đồng thời, khẳng định Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Thống đốc JBIC Nobumitsu Hayashi (giữa) cam kết hỗ trợ phát triển hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Theo ông Nobumitsu Hayashi, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ 2 với các doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ sau Ấn Độ.
Trong thời gian tới, JBIC cam kết hỗ trợ phát triển hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cũng như tiếp tục hợp tác trong phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM.
Trong khi đó, ông Naga Chandrasekaran, Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc hoạt động toàn cầu của Intel, cam kết tích cực đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và 2 con số trong những năm tới thông qua việc mang thêm nhiều các nhà cung cấp trên toàn cầu tới Việt Nam, hỗ trợ hình thành trung tâm tài chính TP.HCM cũng như mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
Hiện nay, Intel đã xuất khẩu khoảng 29 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của hãng.
Rút ngắn thời gian hình thành trung tâm tài chính
Tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc thành lập Trung tâm C4IR TP.HCM hoàn toàn phù hợp chủ trương và góp phần tích cực triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu, các nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục góp ý để tháo gỡ về thể chế và cách thức huy động nguồn lực để phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý và nghiên cứu, tham gia, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại TP.HCM.
Hiện TP.HCM vẫn là trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng trong thời đại thông minh thì hạ tầng này vẫn chưa đáp ứng được.
Thủ tướng kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển xứng tầm với TP.HCM và nâng cao mối quan hệ giữa WEF với Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Về trung tâm tài chính TP.HCM, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để có thể hình thành nhanh trung tâm này. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam cần có thêm những công trình lớn để chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2025, đặc biệt là hình thành được trung tâm tài chính quốc tế trong khoảng 10 năm và phấn đấu hình thành trong 5 năm.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.