Thương mại điện tử: Bài toán giữ vị thế trên “sân nhà” cho doanh nghiệp Việt

Admin

02/12/2024 04:36

Xu thế thương mại điện tử xuyên biên giới đã thúc đẩy một làn sóng mới các doanh nghiệp chuyển phát nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Thị trường kho vận tăng trưởng 23% hàng năm

Theo thông tin từ Báo cáo Logistics năm 2024 của Bộ Công Thương, xu thế đầu tư vào lĩnh vực kho bãi của năm 2023 tiếp tục được duy trì và củng cố trong năm 2024 với hàng loạt dự án mới đưa vào khai thác hoặc bắt đầu khởi công. Điểm đáng chú ý là sự tham gia ngày càng đông của các nhà đầu tư nước ngoài với những dự án có quy mô lớn.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường kho vận giai đoạn 2020 - 2023 là 23%. Bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài, báo cáo cũng chỉ ra năm 2024 thị trường ghi nhận xu thế một số nhà phát triển khu công nghiệp tích cực tham gia vào thị trường nhà xưởng và kho xây sẵn.

Theo báo cáo của FiinGroup, dự kiến có 25 dự án kho vận sẽ triển khai từ nay đến 2027 với tổng diện tích cho thuê thêm là 1,87 triệu m2. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của diện tích kho vận hiện đại dự báo duy trì ở mức 7% trong giai đoạn này.

thương mại điện tử

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường kho vận giai đoạn 2020 - 2023 là 23%.

“Xét về khu vực địa lý, năm 2024 có sự thay đổi về các dự án mới gia nhập thị trường, khi đa phần các dự án được khởi công mới đều tập trung tại miền Bắc ở các địa phương trọng điểm như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương”, báo cáo nêu.

Với việc nguồn cung mới tiếp tục ra mắt, tỉ lệ lấp đầy trung bình tại thị trường cấp 1 miền Bắc đạt 70% đối với nhà kho xây sẵn và 87% với nhà xưởng xây sẵn, không thay đổi so với quý trước.

Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường kho xưởng miền Nam không có nguồn cung mới trong quý I/2024, các dự án mới vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Tuy nhiên, việc không có nguồn cung mới đã có tác động tích cực đến hoạt động của các kho xưởng xây sẵn đang hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 57% đối với nhà kho và 87% đối với nhà xưởng.

Tương tự như thị trường miền Bắc, nhu cầu về kho xưởng xây sẵn miền Nam đến từ các nhà sản xuất ở lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, bên cạnh sự mở rộng của các công ty thuộc lĩnh vực thương mại điện tử như JiaWei (Đài Loan - Trung Quốc), Shopee (Singapore).

Thương mại điện tử: Bài toán giữ vị thế trên “sân nhà” cho doanh nghiệp Việt- Ảnh 2.

Lễ khởi công dự án nhà kho 2 tầng Nam Sơn Hạp Lĩnh tháng 6/2024.

Đáng chú ý, thị trường kho vận năm 2024 cũng ghi dấu ấn rõ nét hơn của xu thế đầu tư kho đa tầng và kho thông minh. Tháng 6/2024, BW và ESR Group đã khởi công 2 dự án nhà kho 2 tầng với tổng diện tích lên đến 270.000m2 tại Bắc Ninh. Dự án đầu tiên nằm ở KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh với diện tích 112.000m2 dự án thứ 2 nằm tại KCN Yên Phong với tổng diện tích 162.000m2. Hai dự án này dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác từ quý III/2025.

Bùng nổ các xu thế giao hàng chặng cuối

Với những diễn biến phức tạp của mảng vận tải biển quốc tế, Báo cáo Logistics năm 2024 cũng chỉ ra dịch vụ giao nhận trong năm 2024 của Việt Nam cũng gặp khá nhiều thách thức.

Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, 2024 là năm chuyển từ bối cảnh “cước thấp - không có khách” sang “cước cao - không có chỗ” với những thay đổi liên tục từ lịch trình, dịch vụ của các hãng tàu quốc tế, đặc biệt ở những tuyến đi qua khu vực Biển Đỏ.

"Bối cảnh năm 2024 đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải giao nhận phải linh hoạt thích ứng để có thể tồn tại, và đặt nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trước áp lực rất lớn để có thể duy trì hoạt động", báo cáo nêu.

Dưới góc độ thủ tục hải quan, năm 2024 ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong hoạt động hải quan với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 412 ngày 14/5/2024 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính giai đoạn 2024 - 2025, trong đó có lĩnh vực hải quan.

Thương mại điện tử: Bài toán giữ vị thế trên “sân nhà” cho doanh nghiệp Việt- Ảnh 3.

Năm 2024 ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong hoạt động tinh gọn thủ tục hải quan.

Theo quyết định này, một số thủ tục hành chính và cơ chế báo cáo giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan được đơn giản hóa, hỗ trợ rất nhiều cho cả các doanh nghiệp chủ hàng cũng như doanh nghiệp giao nhận.

Cũng trong báo cáo, theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quý II/2024 ước tính doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2024.

Con số này vượt xa dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua, các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Kho xưởng cao tầng giàu tiềm năng phát triển vì nhu cầu thuê cao"Giải mã" sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc

Trên cơ sở đó, dịch vụ giao hàng chặng cuối tiếp tục bùng nổ tại Việt Nam trong năm 2024 với các xu thế nổi bật.

Xu thế nổi trội có thể nhận thấy là việc các sàn thương mại điện tử lớn tăng cường đầu tư cho các công ty dịch vụ giao hàng chặng cuối của chính mình, đồng thời vươn dần ra phục vụ thị trường bên ngoài. Ví dụ điển hình là trường hợp Shoppee Express với sự thay đổi về nhận diện thương hiệu và kỳ vọng mở rộng thị trường, khách hàng.

Xu thế chuyển đổi số cũng tiếp tục duy trì với sự đầu tư vào các công nghệ ngày càng tiên tiến, vượt trội của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ngay từ đầu năm 2024, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam, sử dụng robot tự hành chia chọn hàng hóa (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).

Thương mại điện tử: Bài toán giữ vị thế trên “sân nhà” cho doanh nghiệp Việt- Ảnh 4.

Robot trong Tổ hợp chia chọn thông minh của Viettel Post.

Trong năm 2024, xu thế thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Với việc phát triển của dịch vụ giao hàng chặng cuối kết nối trực tiếp từ Trung Quốc, việc đặt mua hàng hóa trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc cũng trở nên dễ dàng với chi phí thấp hơn rất nhiều trước kia.

“Đây cũng là yếu tố thúc đẩy một làn sóng mới các doanh nghiệp chuyển phát nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam, đồng thời, cũng đặt ra bài toán cần giải cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn giữ vị thế trên “sân nhà””, báo cáo nhận định.