Triển vọng sáng ngành công nghệ, bán dẫn

Admin

28/12/2024 04:30

(ĐTCK)  McKinsey & Company chỉ ra rằng, nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 19 - 22% trong giai đoạn 2023 - 2030 và có khả năng đạt 171 - 219 GW.

Triển vọng sáng ngành công nghệ, bán dẫn

Con số này tăng mạnh so với mức 60 GW ở hiện tại, báo hiệu khả năng thiếu hụt đáng kể về nguồn cung sắp tới. Để đáp ứng nhu cầu trung tâm dữ liệu tăng nhanh, cần phải xây dựng ít nhất gấp đôi công suất đã xây dựng kể từ năm 2000 tới nay.

Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi quá trình số hóa đang diễn ra nhanh chóng và việc áp dụng điện toán đám mây ngày càng tăng, cũng như việc mở rộng mạng 5G, sự gia tăng của các thiết bị IoT và các yêu cầu bắt buộc theo quy định đối với lưu trữ dữ liệu cục bộ. Hiện Việt Nam đang sẵn sàng trở thành một nhân tố chủ chốt trong bối cảnh trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á.

Tính đến quý I/2024, Việt Nam đang sở hữu 33 trung tâm dữ liệu với công suất khoảng 80 MW, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, chiếm 94% nguồn cung. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 557 triệu USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 10,8% cho đến năm 2029, lên mức 1,14 tỷ USD.

Việt Nam sở hữu nhiều động lực tăng trưởng để thúc đẩy thị trường trung tâm dữ liệu, như thị trường lao động giá rẻ, lực lượng lao động công nghệ dồi dào, chi phí xây dựng và giá thuê thấp so với các đối thủ khác trong khu vực. Việc Chính phủ đẩy mạnh số hóa đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu về các trung tâm dữ liệu trên cả nước. Hơn nữa, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển dữ liệu doanh nghiệp sang nền tảng đám mây. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng trong việc áp dụng các giải pháp lưu trữ dữ liệu, từ đó, dự kiến sẽ tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường. Ngoài ra, việc ứng dụng ngày càng phổ biến của AI tạo sinh (genAI), các giải pháp dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và các giải pháp dựa trên đám mây cùng với những giải pháp khác dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024 - 2025.

Năm 2024, các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC và FPT đang tích cực đầu tư vào các trung tâm dữ liệu mới và nâng cấp các trung tâm hiện có để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Luật Dữ liệu được Quốc hội Việt Nam ban hành vào cuối năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mở đường cho các tổ chức nước ngoài đầu tư và thành lập các trung tâm dữ liệu trong nước. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng các công ty nước ngoài xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2025.

Trung Quốc đang dần mất đi vị thế là “công xưởng lớn của thế giới”, do đó, chúng tôi tin rằng các tập đoàn đa quốc gia sẽ tìm kiếm sự lựa chọn thứ hai cho nguồn cung ứng của họ để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Sự tham gia của Việt Nam vào sản xuất chất bán dẫn chủ yếu tập trung vào các giai đoạn cuối, đặc biệt là trong khâu lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP). Phân khúc này đòi hỏi đầu tư vốn thấp hơn và lao động ít kỹ năng, ít có giá trị nhất trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các công ty bán dẫn của Việt Nam chủ yếu đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, FPT và Viettel là những doanh nghiệp trong nước nổi bật nhất.

Ba doanh nghiệp ưa thích nhất của chúng tôi trong lĩnh vực này là FPT, DGC và CTR.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, FPT duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận 20% và vị thế dẫn đầu về quy mô doanh thu và lợi nhuận ròng.

Cùng thời gian, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Viettel (VGI, CTR) cũng cho thấy kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là VGI. Cụ thể, doanh thu của VGI đạt 9.130 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) nhờ tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường Burundi (82%), Lào (24%), Mozambique (80%), Tanzania (45%), Campuchia (16%).

Trong khi đó, dù kết quả kinh doanh quý III/2024 suy giảm so với quý do trước việc sửa chữa lò luyện phốt pho vàng làm tăng chi phí và giảm tự cung cấp đá phosphate do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, song DGC ghi nhận 705 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý này. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty này lãi ròng 2.239 tỷ đồng.

Tăng trưởng doanh thu CTR trong 9 tháng đầu năm đạt 12% so với cùng kỳ. Công ty đã đẩy mạnh phát triển trạm BTS mới kể từ quý II/2024 để hỗ trợ triển khai dịch vụ 5G của Viettel, thúc đẩy doanh thu towerco tăng 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đầu tư tài sản cố định cao và tỷ lệ thuê vẫn thấp tạm thời thu hẹp biên lợi nhuận của Công ty, khiến lợi nhuận ròng chỉ tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, đạt 387,5 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Triển vọng sáng ngành công nghệ, bán dẫn" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.