Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại 2.0 với ông Trump

Admin

27/11/2024 06:00

Nếu Trung Quốc tận dụng cơ hội để hồi phục kinh tế nội địa và thúc đẩy hệ thống đa phương, cuộc chiến thương mại mới có thể trở thành “món quà chiến lược” cho Bắc Kinh.

Trung Quốc đã chuẩn bị cho việc giảm xuất khẩu thương mại vào Mỹ. Ảnh: VCG.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từng phát động cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử với Trung Quốc - đang chuẩn bị trở lại Nhà Trắng. Lời hứa của ông về việc áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang đặt ra thách thức mới cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, với những bài học từ lần đối đầu trước, Trung Quốc có thể biến khó khăn thành cơ hội để tái định hình vị thế kinh tế toàn cầu.

Thời cuộc thay đổi

Mùa hè năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc đang ở thời kỳ đỉnh cao, thậm chí có dự đoán rằng nước này sắp vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, giờ đây khi ông Trump sắp trở lại nắm quyền trong vài tháng tới, điều từng được coi là một “cỗ máy không thể cản phá” đã suy yếu đáng kể. Đối mặt với khủng hoảng bất động sản, nợ công và giảm phát, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho một cuộc đối đầu mới.

Tuy nhiên, theo CNN, nhờ được trang bị kinh nghiệm từ lần đối đầu trước, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện được đánh giá đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với nguy cơ ông Trump thực hiện lời hứa áp thuế lên đến 60% đối với hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ.

Theo các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích, chiến lược này có thể bao gồm đa dạng hóa thương mại, trả đũa có mục tiêu nhắm vào các công ty Mỹ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

“Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này từ khá lâu. Mỹ hiện không còn giữ vai trò quan trọng như trước đây trong mạng lưới thương mại của họ”, Dexter Roberts, tác giả của bản tin Trade War và chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

Một phần nhờ vào cuộc chiến thương mại lần đầu dưới thời ông Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Mỹ. Tác động này đã được phản ánh rõ ràng qua số liệu thương mại với tốc độ thay đổi nhanh chóng.

Năm ngoái, Mexico đã vượt Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ, lần đầu tiên sau 20 năm. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 20%, còn 427 tỷ USD.

Theo The Diplomat, từ năm 2018 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 19,3% xuống còn 14,8%, chỉ chiếm 2,5% GDP nước này. Lần đầu tiên vào năm 2023, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vượt tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ, EU và Nhật Bản cộng lại.

Bên cạnh đó, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc vẫn tăng lên 14%, so với 13% trước khi chính quyền ông Trump áp dụng thuế quan lần đầu.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tận dụng các cơ chế trung chuyển qua nước thứ 3 như Thái Lan và Mexico để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ. Xuất khẩu linh kiện máy tính sang Mexico và Thái Lan đã tăng gấp đôi từ năm 2017 đến 2023.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc cũng là một chiến lược quan trọng. Năm 2023, ODI của nước này đạt 177,3 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn cầu. Các khoản đầu tư này không chỉ phục vụ thị trường địa phương mà còn giúp doanh nghiệp Trung Quốc vượt qua rào cản thuế quan.

Tại buổi họp báo cuối tuần này, ông Vương Thụ Văn, nhà đàm phán thương mại quốc tế kiêm Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, khẳng định: “Chúng tôi có khả năng giải quyết và chống chịu tác động từ những cú sốc bên ngoài”.

Trả đũa có mục tiêu

Tuy nhiên, “kho vũ khí” đáp trả của Trung Quốc với Mỹ trong cuộc chiến thương mại khó có khả năng xuất hiện những biện pháp mang tính phô trương như bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ (Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ 2 thế giới) hoặc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ - vốn đã mất 12% so với đồng USD trong 3 năm qua.

“Những biện pháp kịch tính đó sẽ không mang lại hiệu quả”, ông Andy Rothman, chiến lược gia về Trung Quốc tại Matthews Asia, chia sẻ với CNN. “Phía Trung Quốc thường không có xu hướng trả đũa một cách trực tiếp như vậy”.

Thay vào đó, Trung Quốc có thể chọn những biện pháp đáp trả mang tính “phi đối xứng” và nhắm vào mục tiêu cụ thể.

Thực tế, trong vài năm qua, Trung Quốc đã ban hành nhiều luật mới có thể được sử dụng như biện pháp trả đũa. Chẳng hạn như đưa doanh nghiệp nước ngoài vào danh sách đen, áp đặt các lệnh trừng phạt lên cá nhân hoặc doanh nghiệp Mỹ hoặc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng.

kinh te trung quoc anh 1

Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu các kim loại quan trọng với nền kinh tế thế giới. Ảnh: Xinhua.

Theo Bloomberg, Bắc Kinh gần đây đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhắm vào các kim loại chính bao gồm than chì, hợp kim nhôm và magie - có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.

Trung Quốc có vị thế thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực này. Quốc gia này hiện chiếm khoảng 80% sản lượng magie toàn cầu, được sử dụng trong mọi thứ từ sản xuất điện thoại thông minh đến máy bay.

Ngoài ra, Bắc Kinh đang điều tra công ty PVH, chủ sở hữu thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger, vì không sử dụng bông từ Tân Cương. Trước đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng Bain & Company tại Thượng Hải, gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết định áp đặt lệnh trừng phạt hay đưa doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen, điều đó sẽ được thực hiện một cách chọn lọc và cẩn trọng như trường hợp của PVH nhằm tránh làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu, The Diplomat phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng khả năng Trung Quốc hạ giá đồng nội tệ để giúp ích cho xuất khẩu nếu ông Trump áp dụng mức thuế mới là biện pháp khó có thể xảy ra.

Ông Sean Callow, nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại ITC Markets, cho biết hiện Trung Quốc cũng muốn định vị đồng nhân dân tệ như một lựa chọn đáng tin cậy thay thế đồng USD cho các ngân hàng trung ương quản lý dự trữ ngoại tệ, đặc biệt sau khi Mỹ và châu Âu đóng băng tài sản của Nga từ năm 2022.

Tự củng cố nội lực

Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng có thể dựa vào thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ với 1,4 tỷ dân để giảm bớt tác động của các biện pháp thuế quan mới từ Mỹ.

“Phản ứng tốt nhất của Bắc Kinh là tập trung củng cố nội lực, bắt đầu từ việc khôi phục niềm tin cho các doanh nghiệp trong nước - vốn đóng góp 90% việc làm tại thành thị và hầu hết hoạt động đổi mới. Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, dẫn đến tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn, qua đó giảm thiểu tác động từ sự suy yếu trong xuất khẩu sang Mỹ”, Andy Rothman, chiến lược gia tại Matthews Asia nhận định.

Dẫu vậy, kinh tế Trung Quốc hiện vẫn đối mặt với nhiều vấn đề, từ tiêu dùng yếu đến bất ổn trong thị trường bất động sản. Chính phủ Trung Quốc đã phải đưa ra gói kích thích kinh tế mới vào cuối tháng 9, chủ yếu tập trung vào chính sách tiền tệ. Những biện pháp mới cũng đã được tung ra vào đầu tháng này, dù vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhiều chuyên gia.

Các nhà phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ chỉ đưa ra các biện pháp mạnh hơn nếu ông Trump chính thức áp thuế mới sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.