Vụ cán bộ cơ sở cai nghiện bị đánh sau cuộc họp: Nhiều người đã bức xúc về thời giờ làm việc

Admin

15/12/2020 10:58

TTO - Ông Võ Văn Phúc (59 tuổi) - cán bộ tại Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu -cho biết ông bị đánh sau khi nêu ra ý kiến phản đối về quy định thời giờ làm việc mới của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM với cơ sở này tại cuộc họp

Vụ cán bộ cơ sở cai nghiện bị đánh sau cuộc họp: Nhiều người đã bức xúc về thời giờ làm việc - Ảnh 1.

Một buổi trực đêm của cán bộ, nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) - Ảnh: CTV

Trước đó, ngày 25-8, ông Phúc cũng đã gửi đơn khiếu nại đến giám đốc Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu, phản đối về thời giờ làm việc 48 giờ/người/tuần trong thông báo về thời giờ làm việc mới tại cơ sở này.

Ông Phúc cho rằng hiện nay luật quy định viên chức, người lao động làm việc 40 giờ/tuần, nhưng từ 1-9-2020, cơ sở này triển khai làm việc 208 giờ/tháng, tương đương 26 ngày công/tháng, 48 giờ/tuần.

Ông yêu cầu chi trả số tiền chênh lệch dư giờ từ 40 giờ lên 48 giờ/ tuần trong tháng 9 và tháng 10-2020. Đồng thời yêu cầu chấm dứt chế độ làm việc bình thường 48 giờ/tuần.

Theo thông tin Tuổi Trẻ Online đã đưa, ngày 10-12 khi ông Phúc trở lại phòng làm việc sau cuộc họp cuối năm của cơ sở này thì ông Nguyễn Huy Hoàng (bảo vệ) đi vào gây gổ về việc ông ý kiến trong cuộc họp và xông vào đánh ông. Ông Phúc bị thương ở đầu và được đưa đi Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Vụ cán bộ cơ sở cai nghiện bị đánh sau cuộc họp: Nhiều người đã bức xúc về thời giờ làm việc - Ảnh 2.

Ông Phúc bị đánh phải nhập viện cấp cứu - Ảnh: CTV

Theo tìm hiểu, trước đó Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM đã có công văn 22183 ngày 11-8-2020 triển khai thực hiện thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ, chế độ trực của các đơn vị trực thuộc sở.

Công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở phải tính toán cân nhắc việc bố trí làm việc để đảm bảo chế độ làm việc 48 giờ/người/tuần, quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ một ngày và 48 giờ/tuần.

Như vậy, nếu trước đây người lao động làm việc từ thứ hai đến thứ sáu (đủ 40 tiếng/tuần) thì số giờ làm việc tăng thêm được tính là thời giờ làm thêm và được chi trả phụ cấp làm thêm, tăng ca. Nhưng nay người lao động phải làm từ thứ hai đến thứ bảy (48 tiếng/tuần) thì số giờ làm việc chênh lệch sau đó mới bắt đầu tính vào thời giờ làm thêm, tăng ca.

Thời giờ làm việc mới trong công văn 22183 của Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM đã triển khai đến nhiều đơn vị, cơ sở trực thuộc sở trong đó có Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu. Cán bộ, nhân viên tại đơn vị khác của sở cũng có bức xúc tương tự như bức xúc của ông Võ Văn Phúc, phản đối triển khai thời giờ làm việc 48 giờ/tuần.

Một số ý kiến cho rằng thời giờ làm việc mới không đúng quy định pháp luật, "không thông qua ý kiến của người lao động trong sở", "không có thỏa ước lao động tập thể khi thay đổi chế độ làm việc", "trái với hợp đồng lao động mà đơn vị đã ký kết và phổ biến với người lao động khi tuyển dụng vào làm việc".

Trong cuộc họp, ngoài ý kiến phản ánh về thời giờ làm việc, ông Phúc cũng nêu đề nghị cắt thi đua một nhân viên đã có sai sót trong quá trình làm việc, đồng thời cho rằng ban giám đốc đã điều động nhân sự sai quy định, không đào tạo dẫn đến sai sót của người này.

Cụ thể trong tháng 11-2020, nhân viên này đã cho xuất cổng sai quy trình và sau đó tiếp tục tiếp nhận một đối tượng cắt cơn 15 ngày vào cơ sở không đúng quy định, đồng nghĩa với việc giữ người trái pháp luật.

Cán bộ cơ sở cai nghiện Bình Triệu tố cáo bị đánh ngay sau cuộc họp xét thi đua Cán bộ cơ sở cai nghiện Bình Triệu tố cáo bị đánh ngay sau cuộc họp xét thi đua

TTO - Ông Võ Văn Phúc cho biết bị 3 người hành hung ngay tại phòng làm việc ở Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu (trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) khiến ông bị thương.