Phát triển điện hạt nhân: ĐBQH đề xuất khởi động lại dự án ở Ninh Thuận

07/11/2024 20:06

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương đề xuất tham mưu cho Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền đề nghị nên khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất.

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó, vấn đề về chính sách phát triển điện hạt nhân trong dự án luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Cần xây dựng điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý

Tham gia góp ý, đại biểu Hoàng Đức Chính (đoàn Hoà Bình) nhìn nhận, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa nội dung về điện hạt nhân, đây là một bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia.

Đại biểu Hoàng Đức Chính, đoàn Hòa Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Chính nhắc lại, Việt Nam đã từng có kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. 

Tuy nhiên, vào năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân, đặc biệt là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do có lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề về công nghệ cũng như các diễn biến về tình hình năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó.

Để hoàn thiện dự án luật, đưa điện hạt nhân phát triển bền vững, vị đại biểu cho rằng cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần bổ sung những quy định về quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân.

"Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân và tăng sự đồng thuận trong xã hội", ông Chính nói và yêu cầu bổ sung các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Phát triển điện hạt nhân: ĐBQH đề xuất khởi động lại dự án ở Ninh Thuận- Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn Lâm Đồng (Ảnh: Media Quốc hội).

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng bày tỏ nhất trí với chính sách phát triển điện hạt nhân.

Tuy nhiên, vì điện hạt nhân là loại hình điện đặc biệt, có yêu cầu rất cao về công nghệ, tài chính và nhân lực, vì vậy, nữ đại biểu đề nghị bổ sung một quy định đó là "Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết cơ chế đặc thù để phát triển, xây dựng, vận hành đảm bảo an toàn hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân".

Tránh làm lãng phí nguồn lực Nhà nước đã đầu tư

Tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân hiện nay là một trong những xu thế của thế giới.

"Một số nước quốc gia trên thế giới họ đóng cửa bây giờ họ đã tái khởi động lại vì do nhu cầu năng lượng sử dụng điện rất lớn, cho nên đối với nước ta cũng không thể đóng cửa nhà máy điện hạt nhân được", ông Hòa nói.

Phát triển điện hạt nhân: ĐBQH đề xuất khởi động lại dự án ở Ninh Thuận- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân phải đảm bảo vệ quốc phòng, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, ông đề nghị Bộ Công Thương đề xuất tham mưu cho Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền đề nghị nên khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất.

"Đây là một vấn đề rất hệ trọng vì năng lượng Việt Nam của chúng ta hiện nay đang rất thiếu. Chúng ta sử dụng điện than, nhiệt điện và hai loại này không thân thiện với môi trường, trong khi đó chúng ta cam kết phát thải tới 2050 bằng Zero. Tôi nghĩ rằng chỉ có năng lượng về điện hạt nhân mới có thể phát triển và chúng ta đảm bảo được nhu cầu năng lượng của quốc gia", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 thì cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực Nhà nước đã đầu tư.

Cụ thể, theo bà Hương là nguồn lực đất đai tại 2 vị trí điện hạt nhân mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đến năm 2016, Quốc hội có ban hành Nghị quyết dừng chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và đến tháng 12/2023, Quốc hội, Chính phủ phân bổ vốn cho Ninh Thuận để xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống của nhân dân tại 2 vùng dự án.

Phát triển điện hạt nhân: ĐBQH đề xuất khởi động lại dự án ở Ninh Thuận- Ảnh 4.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận (Ảnh: Media Quốc hội).

Bà Hương nêu rõ, việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân.

Theo nữ đại biểu, tỉnh Ninh Thuận về tiềm năng và phát triển năng lượng đã được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115 năm 2018 và năng lượng tái tạo là trụ cột quan trọng số một của tỉnh trong quy hoạch tỉnh.

"Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển điện, tôi xin kiến nghị là cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", nữ đại biểu đoàn Ninh Thuận nêu ý kiến.

Đề xuất Nhà nước độc quyền phát triển điện hạt nhân

Cùng góp ý, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi về việc liệu đây đã là thời điểm thích hợp để Việt Nam làm chủ về công nghệ hạt nhân chưa?

"Bởi vì, nếu chúng ta không làm chủ thì chúng ta phải lệ thuộc rất nhiều, từ khâu lắp đặt cho đến vận hành, sau này xử lý rác hạt nhân, kể cả vấn đề tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân", ông Huân nói.

Theo ông Huân, kinh phí tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân khi nhà máy hết hạn còn đắt gấp đôi, gấp rưỡi so với chi phí lắp đặt ban đầu.

"Vậy tất cả chi phí này chúng ta đã tính vào chưa, đặc biệt khi có chiến tranh nhiều khi các nhà máy điện hạt nhân lại rất dễ dàng trở thành con tin. Bởi vì, quốc tế có quy định là không được tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân, khi một đối phương chiếm nhà máy điện hạt nhân cũng là nguy cơ về quốc phòng, an ninh', ông Huân bày to lo ngại và đề nghị phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.