"Grab đang quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình"

Admin

08/12/2020 08:39

Theo Chủ tịch hiệp hội Vận tải Việt Nam, Grab đang quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình nên tự cho mình cái quyền tăng giá cước bất cứ lúc nào họ muốn.

Tính thuế, việc nên làm từ lâu

Ngày 7/12, hơn 200 tài xế cầm băng rôn diễu hành khắp đường phố Hà Nội để phản đối việc Grab ra thông báo tăng tỷ lệ khấu trừ với đối tác. Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Mức này tăng từ 20 - 25% lên 27,273 - 32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên).

Để bù lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%. Giá cước hiện tại của GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Theo tính toán, thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở mức 1%/năm. Tuy nhiên, các tài xế tham gia diễu hành cho rằng mức khấu trừ hiện tại là quá cao. Họ mong muốn mức khấu trừ trở về 20% như trước.

Có thể thấy rõ, việc tăng giá trên của Grab vào đúng thời điểm Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực. Đây là một động thái gây chú ý của hãng này dù cơ quan quản lý vẫn chưa ra thông tư hướng dẫn.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia tài chính, thuế nhấn mạnh việc cơ quan Nhà nước áp mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Be… là đáng nhẽ phải được thực hiện từ lâu. Việc tăng mức thuế là hợp lý, sòng phẳng, công bằng với các ngành khác và các đơn vị cùng cạnh tranh khác trên cùng ngành.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Grab đang quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình'

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc Grab tăng mức thuế là hợp lý, sòng phẳng, công bằng các đơn vị cùng cạnh tranh trong ngành vận tải.

Theo phân tích của ông Thịnh, việc điều chỉnh thuế không đánh vào cá nhân nên thu nhập của tài xế không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, việc đó phụ thuộc phần lớn vào quyết định hợp đồng giữa hai bên. Dù chủ trương này của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp, nhưng ông Thịnh cho rằng, hãng Grab đang lấy đó làm cái cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm trừ của tài xế, điều này hoàn toàn không đúng.

“Việc tăng mức thuế VAT từ 3% lên 10% là chủ trương hoàn toàn đúng. Với chính sách thu thuế VAT mới, cơ quan thuế nắm vào người có tóc, tức là doanh nghiệp với tư cách pháp nhân phải đứng ra chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc kê khai và nộp thuế. Quy định mới thì sẽ không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế VAT như lâu nay”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Grab đang quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình' (Hình 2).

Hàng trăm tài xế hãng Grab tắt ứng dụng, diễu hành trên đường phố Hà Nội ngày 7/12.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc điều chỉnh thuế không đánh vào cá nhân nên thu nhập của tài xế không bị ảnh hưởng và việc đó phụ thuộc phần lớn vào quyết định trong hợp đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, nhìn vào việc các tài xế đình công là hoàn toàn có lý do bởi nó tác động mạnh mẽ đến “nồi cơm” của các tài xế.

Không có lợi thì đổi hãng!

Cũng nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hồi tháng 3/2019 phía Hiệp hội đã có công văn gửi Thủ tướng và các Bộ ngành, trong đó có nội dung bày tỏ sự không công bằng trong cạnh tranh và nghĩa vụ thuế với Nhà nước trong hoạt động vận tải của hãng Grab. Chính vì vậy, Nghị định 126 chính thức có hiệu lực là động thái đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh tế phát sinh, phù hợp thông lệ quốc tế và các luật về thuế.

Nói về việc các tài xế Grab diễu hành trên đường phố Hà Nội để phản đối việc tăng khấu trừ từ chính công ty vận hành, ông Quyền cho rằng, mức tăng từ 20% lên 27% là quá cao, nhất là trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều này vừa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và thu nhập của tài xế.

“Nếu tài xế thấy không có lợi cho thu nhập của mình thì họ có quyền lấy xe ra và chuyển sang hãng khác. Còn nếu các hãng công nghệ muốn giữ cả khách hàng và tài xế thì buộc phải điều chỉnh lại. Tôi nghĩ rằng Grab đang quá tự tin vào sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình nên tự cho mình cái quyền tăng giá cước bất cứ lúc nào họ muốn”, ông Quyền nói.

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/12/2020, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống. Các doanh nghiệp như Grab, Gojek... sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.