Mỹ phẩm Naomi “thổi phồng” công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Admin

16/07/2020 06:13

(Tieudung.vn) - Thương hiệu mỹ phẩm Naomi được quảng cáo có công dụng điều trị mụn khiến người tiêu dùng “ngầm hiểu” là thuốc chữa bệnh!

Thời gian vừa qua, chuyên trang Tieudung.vn (thuộc Báo Kinh tế & Đô thị) nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về công dụng trị bệnh của sản phẩm TEACNE anti -Acnes Gel của thương hiệu mỹ phẫm Naomi, được phân phối và chịu trách nhiệm bởi Công ty TNHH Gree Healthy Global Corp, địa chỉ 459/58/18 Lê Văn Thọ, phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Mỹ phẩm Naomi “thổi phồng” công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Trên website naomivn.com, sản phẩm Gel mụn sủi TEACNS được quảng cáo hiệu quả trong việc "trị mụn".

Được biết, người đại diện theo pháp luật của công ty Công ty TNHH Gree HEALTHY GLOBAL CORP là ông Dương Đình Phong. Doanh nghiệp này đăng kí ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh, trong đó chủ yếu là sản xuất mỹ phẩm, không sản xuất hóa chất hay thuốc.

Theo ghi nhận của PV, trong quảng cáo trên trang web của công ty có địa chỉ naomivn.com, có giới thiệu sản phẩm mụn sủi TEACNE anti -Acnes Gel có công dụng “trị mụn”.

Cụ thể, video quảng cáo này cho biết, cơ chế hình thành mụn là từ việc tăng tiết bã nhờn, bít lỗ chân lông sinh ra mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Sau đó, doanh nghiệp này khẳng định nếu sử dụng sản phẩm TEACNE anti -Acnes Gel của công ty sẽ “hiệu quả trong việc trị mụn”.

Đặc biệt, sản phẩm này được quảng cáo thêm nhiều công dụng khá “thần thánh” khác là làm sạch sâu lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết, tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa sự phát triển mụn, dưỡng ầm và làm mềm tự nhiên, ngăn ngừa quá trình lão hóa…

Ngoài ra, sản phẩm đi kèm với loại gel tự xưng “trị mụn” ở trên là sữa rửa mặt Acne. Sản phẩm này cũng được quảng cáo với nhiều chức năng “khủng” như làm sạch sâu bụi bẩn, ức chế, diệt khuẩn, cải thiện làn da mụn, làm sạch sâu lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết, cân bằng độ ẩm tự nhiên và kiềm dầu hiệu quả…

Mỹ phẩm Naomi “thổi phồng” công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Sản phẩm TEACNE ANTI – ACNES GEL.

Chưa kể, nội dung quảng cáo còn khẳng định nếu sử dụng sản phẩm làn da của người dùng sẽ được “tiêu diệt mụn” và “láng mịn sau 7 ngày”.

Rõ ràng, những sản phẩm này đang được quảng cáo như một loại thuốc đặc trị về bệnh lý, có tác dụng đặc trị, trị mụn. Trong khi, đây chỉ là những sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da thông thường. Điều này là trái với quy định của pháp luật khi thổi phồng công dụng của sản phẩm, nhập nhèm giữa thuốc và mỹ phẩm, khiến người tiêu dùng hiểu lầm.

Rõ ràng, những quảng cáo này có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi “thổi phồng” quá mức, sai bản chất về công dụng của sản phẩm. Bởi một điều hiển nhiên rằng, với những người bị mụn, đặc biệt là phái nữ thì việc doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm là “trị mụn” sẽ thuyết phục họ mua hàng hơn rất nhiều so với việc để đúng bản chất sản phẩm. Nắm bắt được tâm lí này, doanh nghiệp đã tự nâng tầm sản phầm mình lên thành một loại "thuốc" chữa bệnh, trị mụn “thần thánh” với hiệu quả rất cao vỏn vẹn trong 7 ngày.

Chưa kể, theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Thông tư 06/2011/TT-BYT - quy định về quản lí mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: Trị mụn, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm…

Mỹ phẩm Naomi “thổi phồng” công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Sản phẩm NAOMI MICELLAR CLEANSING WATER.

Bên cạnh đó, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Như vậy, việc giới thiệu sai bản chất, sản phẩm không chỉ khiến người tiêu dùng hiểu lầm mà còn vi phạm quy định của pháp luật hiện hành, bởi việc giới thiệu sản phẩm phải thể hiện trung thực nội dung cơ bản của mỹ phẩm để người dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn và sử dụng đúng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Cũng theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 47 Thông tư 06 do Bộ Y tế ban hành về quản lý mỹ phẩm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ đăng kí quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm 6 tháng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo mỹ phẩm có thể làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; quảng cáo mỹ phẩm có sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế; quảng cáo mỹ phẩm nêu tính năng công dụng chưa đủ cơ sở khoa học.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng có quyền được thông tin về mỹ phẩm, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng mỹ phẩm sản xuất, lưu thông không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.