Tăng hơn 12% năm nay, VN-Index sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2025?

Admin

06/01/2025 05:00

Năm 2025, các chuyên gia nhận định xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, câu chuyện nâng hạng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều động lực để khởi sắc.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị khép lại một năm giao dịch đầy cảm xúc với nhà đầu tư. Tính đến cuối ngày 30/12, chỉ số VN-Index đang tạm dừng ở mức 1.272,02 điểm, tăng 12,6% so với đầu năm.

Nói với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng "hừng đông" là từ dễ hiểu nhất để phản ánh bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024.

“Hừng đông đại diện cho thời khắc chuyển mình, khi những tia sáng đầu tiên của hy vọng bắt đầu ló rạng dù bầu trời vẫn còn nhiều mây mù. Thị trường năm 2024 mang đậm tính chất tích lũy với sự đan xen giữa cơ hội và thách thức”, vị chuyên gia chia sẻ.

Theo bà Như, về tổng thể, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng điểm trong năm qua nhưng dường như lợi nhuận chưa đủ làm thỏa mãn các nhà đầu tư.

Kỳ vọng bùng nổ năm 2025

Năm 2025, vị chuyên gia phân tích từ VDSC cho rằng bằng một cách trực tiếp hay gián tiếp, chỉ có "tiền" mới thực sự tác động một cách sâu sắc và mạnh mẽ đến xu hướng của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

Dòng tiền không chỉ trực tiếp quyết định đến cung cầu nguồn vốn trên các thị trường đầu tư mà còn ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa là lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong đó, chính sách tiền tệ xoay chiều sang nới lỏng đang là yếu tố nổi bật nhất quyết định đến xu hướng của thị trường tài chính toàn cầu nói chung và kênh chứng khoán nói riêng.

“Lượng cung tiền sẽ tăng trong thời gian tới nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, điều đó gián tiếp hỗ trợ cho thị trường chứng khoán hay một cách khác là khi thị trường chứng khoán đủ hấp dẫn thì hiển nhiên dòng tiền mới có thể sẵn sàng giải ngân và xóa tan tâm lý đầy chán nản của nhà đầu tư”, bà Như nhận định.

chung khoan nam 2025,  du bao chung khoan,  chuyen gia chung khoan anh 1

VN-Index đã 6 lần chinh phục mốc 1.300 điểm bất thành trong năm 2024. Ảnh: TradingView.

Hiện nay, các đơn vị như Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đang đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống KRX với mục tiêu chính thức đưa vào vận hành năm 2025. Hệ thống này không chỉ góp phần hiện đại hóa thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn là bước đi quan trọng để thúc đẩy quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của thị trường và chỉ số VN-Index sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng bộ của các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, bao gồm cải cách pháp lý, dòng vốn nội và ngoại, cũng như sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Nếu các điều kiện này thuận lợi, bà Nguyễn Thị Thảo Như tin rằng VN-Index có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, thậm chí tiến xa hơn để tiệm cận đỉnh cũ quanh 1.500 điểm.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán VPBankS, cho rằng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phản ứng, có thể đối mặt bẫy giảm giá tiếp tục rung lắc vào đầu năm 2025.

Theo ông Sơn, năm 2024, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán là tỷ giá. "Mỗi khi tỷ giá biến động quá 2%, VN-Index có xu hướng giảm 7-10%", ông chia sẻ.

Nếu nâng hạng thành công, chứng khoán Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động và 6-7 tỷ USD vốn chủ động từ nước ngoài

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại VPBankS

Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng khiến khối ngoại rút vốn kỷ lục khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Dẫu vậy, VN-Index vẫn neo giữ ở mức cao với biên độ rộng 1.200-1.300 điểm.

Ông Sơn tin rằng các chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Với mức P/E thấp hơn trung vị 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và nhóm thị trường mới nổi.

Về chuyện nâng hạng, chuyên gia VPBanks cho biết FTSE đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hoàn thiện thị trường theo chuẩn quốc tế và có thể hoàn tất các tiêu chí vào tháng 9/2025. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động và 6-7 tỷ USD vốn chủ động nước ngoài.

Ông Sơn dự báo VN-Index sẽ dao động quanh 1.350 điểm vào năm sau và có thể vượt 1.400 điểm ở kịch bản thuận lợi nhất. Thanh khoản bình quân có thể cải thiện lên ngưỡng 23.000 tỷ đồng và cao nhất 26.000 tỷ đồng/phiên.

Còn theo ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích tại New World Group, xu hướng nới lỏng chính sách tại Việt Nam và nền kinh tế lớn cùng xu hướng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc sẽ giúp nhiều nhóm ngành hưởng lợi.

Điển hình như bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi đầu tiên từ việc cho thuê đất nếu nhiều công ty nước ngoài đẩy mạnh mở rộng, xây dựng nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam.

Sự gia tăng yêu cầu về công nghệ tiên tiến và sản phẩm chất lượng cao cũng giúp các doanh nghiệp điện tử và chế tạo máy móc tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh số.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc đồng thời hỗ trợ các ngành sản xuất nông sản, công nghiệp thực phẩm hay dược phẩm, dệt may…

Điều gì đang chờ đợi?

Dù mang triển vọng tích cực, bà Nguyễn Thị Thảo Như vẫn thận trọng trước những thách thức lớn của thị trường trong năm 2025.

Trong đó, áp lực nâng hạng lên thị trường mới nổi tiếp tục là một “bài toán khó”. Việc trì hoãn nâng hạng có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch, cơ chế thanh toán, quản lý ngoại hối và phát triển các sản phẩm tài chính hiện đại.

Ngoài ra, thanh khoản thị trường vẫn phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư cá nhân, khiến xu hướng tăng trưởng chưa bền vững. Các kênh đầu tư khác như bất động sản, gửi tiết kiệm và trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh dòng vốn nếu tiếp tục duy trì sức hấp dẫn.

Biến động kinh tế toàn cầu cũng là một yếu tố rủi ro. Nếu các nền kinh tế lớn suy thoái, nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm cổ phiếu như thủy sản, dệt may, gỗ và điện tử.

Đồng thời, chính sách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), có thể tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD và chi phí vốn cho doanh nghiệp.

chung khoan nam 2025,  du bao chung khoan,  chuyen gia chung khoan anh 2

Còn nhiều thách thức chờ đợi thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục đối mặt với khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong khi lượng tồn kho bất động sản vẫn cao. Dù có các chính sách tháo gỡ pháp lý, nhu cầu mua nhà phục hồi chậm có thể khiến nhóm ngành này tiếp tục gặp khó khăn.

Áp lực từ lạm phát và lãi suất vẫn hiện hữu. Nếu lạm phát tăng cao do chi tiêu công quá mức hoặc lãi suất vay vốn không giảm sâu, các doanh nghiệp thâm dụng vốn như bất động sản và xây dựng sẽ gặp khó khăn.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.