Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững

06/11/2024 20:11

Dù được coi là xu hướng nhưng "xanh hóa" trong ngành du lịch chưa có một văn bản nào điều chỉnh cụ thể, do đó các cơ quan ban ngành, địa phương cần rà soát và có ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch bền vững.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững- Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững- Ảnh 2.

Đoàn khảo sát du lịch ở Bình Thuận.

Chia sẻ về thực trạng phát triển du lịch xanh tại Hội thảo "Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững" tổ chức sáng 6/11, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho rằng, các dịch vụ du lịch hướng đến tính "xanh", thân thiện với môi trường được quan tâm và tạo điều kiện phát triển như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có ý thức hơn đối với vấn đề phát triển bền vững.

Theo đó, trung ương đã có một số chính sách khuyến khích, chính quyền tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh chính sách xanh hóa, trong đó đặt mục tiêu mũi nhọn vào ngành du lịch.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững- Ảnh 3.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân phát biểu tại hội thảo.

Song song với những thành quả tốt mà tỉnh đã đạt được, ông Nhân chỉ ra nhiều thách thức mà Bình Thuận cần phải giải quyết để phát triển du lịch xanh một cách toàn diện.

Theo đó, ông Nhân đánh giá, tỉnh Bình Thuận vẫn còn hạn chế về hạ tầng hỗ trợ du lịch xanh như giao thông công cộng thân thiện với môi trường, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn xanh, và các dịch vụ thân thiện với môi trường.

Không chỉ vậy, một số chính sách liên quan đến phát triển bền vững, các hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch xanh vẫn còn khá hạn chế.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững- Ảnh 4.

Du lịch nông thôn tại Bình Thuận.

Phân tích và đánh giá một số mô hình du lịch xanh có thể triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, các mô hình phát huy lợi thế địa hình biển vẫn tiếp tục được duy trì. 

Ngoài lợi thế này, Bình Thuận còn đang khai thác thêm các thuận lợi tự nhiên, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch kết hợp khám phá danh lam thắng cảnh, du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, du lịch nông thôn...  bắt đầu được mở rộng thêm.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo.

Ông Khoa cho rằng, để du lịch xanh trở nên phổ biến và hiệu quả, cần sớm xây dựng các tiêu chí về xanh, đồng thời chính quyền, các cơ quan liên quan cũng nên rà soát và có ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý cho du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng.

TIN LIÊN QUANĐể du lịch Bình Thuận “cất cánh”Để du lịch Bình Thuận “cất cánh”

Nói về phát triển du lịch xanh dưới góc độ pháp lý và những lưu ý khi hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, pháp luật về du lịch hiện được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý đã có nhiều biến đổi khi một loạt luật mới được ban hành và có hiệu lực, việc triển khai các dự án du lịch cũng đi kèm với những thách thức pháp lý phức tạp.

Cụ thể, luật mới đã có sự công nhận nhất định với các bất động sản, công trình về du lịch cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận đất đai khai thác cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, khuôn khổ mới đồng thời cũng đặt ra trở ngại trong việc thực thi khi chưa điều chỉnh rõ ràng và chi tiết các quy định liên quan đến đất, công trình, hoạt động đầu tư với dự án du lịch.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển du lịch xanh bền vững- Ảnh 7.

Điểm du lịch thu hút du khách tại Bình Thuận.

Đồng tình với các diễn giả, ông Châu Việt Bắc cho rằng, dù là xu hướng nhưng "xanh hóa" nói chung và xanh trong du lịch nói riêng lại chưa có một văn bản nào điều chỉnh cụ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro và phát sinh tranh chấp trong thời gian tới.

Từ đây, ông khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án quản lý rủi ro, tăng cường hợp tác với các chuyên gia pháp lý, lựa chọn đối tác uy tín và đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hợp đồng chặt chẽ, bao quát.