Gần 20 năm kể từ ngày các ngân hàng 'đổ bộ' thị trường chứng khoán: Tổng vốn hóa 2,3 triệu tỷ đồng, Vietcombank thống trị suốt hơn 1 thập kỷ

Admin

24/02/2025 12:30

Vốn hóa các ngân hàng trên sàn chứng khoán bắt đầu tăng mạnh từ năm 2017 và tổng quy mô đã lên đến hàng triệu tỷ đồng.

Gần 20 năm kể từ ngày các ngân hàng 'đổ bộ' thị trường chứng khoán: Tổng vốn hóa 2,3 triệu tỷ đồng, Vietcombank thống trị suốt hơn 1 thập kỷ- Ảnh 1.

2006 là năm đầu tiên cổ phiếu của một ngân hàng Việt Nam được giao dịch trên thị trường chứng khoán, đó là STB của Sacombank.

Đến nay sau gần 20 năm, thị trường chứng khoán đã có 27 ngân hàng giao dịch cổ phiếu với tổng giá trị vốn hóa lên tới 2,278 triệu tỷ đồng.

Gần 20 năm kể từ ngày các ngân hàng 'đổ bộ' thị trường chứng khoán: Tổng vốn hóa 2,3 triệu tỷ đồng, Vietcombank thống trị suốt hơn 1 thập kỷ- Ảnh 2.

Theo quan sát, quy mô các ngân hàng bắt đầu tăng mạnh từ năm 2017, lên 1,9 triệu tỷ đồng vào năm 2021. Năm 2022, xu hướng tăng bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cả thị trường đi xuống. Tuy nhiên từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã bắt đầu lấy lại đà tăng.

Thời điểm hiện tại, Vietcombank là ngân hàng vốn hóa lớn nhất. Vietcombank bắt đầu lên sàn từ giữa năm 2009. Trong giai đoạn 2009-2014, vốn hóa Vietcombank và VietinBank bám đuổi nhau quyết liệt.

Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2014, Vietcombank bắt đầu bứt phá, bỏ xa cả VietinBank lẫn BIDV. Trải qua hơn 1 thập kỷ, Vietcombank vẫn 'một mình một ngựa' với quy mô vốn hóa lớn hơn cả BIDV và VietinBank cộng lại.

Bám đuổi 3 ông lớn vốn Nhà nước là Techcombank và VPBank. Trong đó, VPBank lên sàn từ 2017 và 1 năm sau đến lượt Techcombank đưa cổ phiếu vào giao dịch. Đây là 2 ngân hàng tư nhân lớn nhất hiện nay với nhiều chỉ tiêu tương đồng, cả về vốn hóa, lẫn bảng cân đối kế toán hay báo cáo kết quả kinh doanh.

MBB, ACB và LPB là các ngân hàng tiếp theo trong số 8 nhà băng có vốn hóa trên mốc 100.000 tỷ đồng. Nếu tính theo mốc 1 tỷ USD, thị trường chứng khoán có 18 ngân hàng vượt qua cột mốc này.

Năm 2025, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. Nếu lạm phát duy trì ở mức thấp, NHNN có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.

Một trong những ưu tiên của NHNN là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ khai thác mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp sẽ có động lực sản xuất, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.