VN-Index vượt 1.300 điểm, cao nhất gần 1.000 ngày, nhà đầu tư chứng khoán "vỡ oà" sung sướng

Admin

24/02/2025 16:10

Mức tăng 0,6% còn giúp VN-Index trở thành một trong những chỉ số tăng tốt châu Á cùng ngày, đi ngược với xu hướng của một số thị trường lớn trong khu vực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch bùng nổ. Dòng tiền đột ngột đổ vào thị trường nửa cuối phiên chiều kéo hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh.

VN-Index tăng gần 8 điểm qua đó đóng cửa phiên 24/2 trên mốc 1.304,56 điểm (tương ứng tăng 0,6%), cao nhất trong vòng 991 ngày (kể từ 9/6/2022). Thanh khoản sàn HoSE cũng tăng cao đột biến so với phiên trước, đạt hơn 18.550 tỷ đồng.

Lần gần nhất VN-Index chạm 1.300 là phiên 12/6/2024. Tuy nhiên, chỉ số chính chỉ có thể neo trên ngưỡng điểm này hai phiên 12-13/6 rồi quay đầu điều chỉnh, với xu hướng đi ngang là chủ đạo. Phải mất tới hơn nửa năm (257 ngày), VN-Index mới có thể trở lại.

photo-1740385338543

Mức tăng 0,6% còn giúp VN-Index trở thành một trong những chỉ số tăng tốt châu Á cùng ngày, đi ngược với xu hướng của một số thị trường lớn trong khu vực. Vốn hóa sàn HoSE theo đó cũng tăng thêm hơn 32.400 tỷ đồng, đạt 5,44 triệu tỷ đồng.

Chẳng cần nói cũng có thể hình dung giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vui mừng như thế nào khi Index vượt cản sau nhiều nỗ lực không thành trước đó. Không khí rộn ràng trở lại trên khắp các mạng xã hội, diễn đàn, đội nhóm về chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán vỡ oà sung sướng khi tâm lý đã được giải toả rõ rệt.

Nhìn chung, rất khó để khẳng định chắc chắn về bất kỳ một xu hướng nào bởi thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn những biến số khó lường, đặc biệt với một thị trường cận biên như Việt Nam. Tuy nhiên, đang có một số tín hiệu tích cực có thể cùng cố niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán thời gian tới.

Theo nhận định của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc khối Nghiên cứu – Đầu tư CTCP FIDT, Chủ tịch CTCP 1IB , thị trường đang ở trong giai đoạn tích luỹ chặt chẽ và chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang trước nhiều biến số như thương chiến, khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên chứng khoán năm 2025 dự báo dễ thở hơn năm trước với xu hướng “tiền hung hậu cát” đóng vai trò chủ đạo.

Động lực tiếp theo đến từ khả năng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Thực tế, câu chuyện nâng hạng đã được kỳ vọng hơn chục năm nay và đến 2025 yếu tố này được nhắc đến nhiều hơn. Với việc đáp ứng gần như đầy đủ những tiêu chí nâng hạng, kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ được sẽ được FTSE nâng hạng trong thời gian tới. Đây sẽ là một trong những động lực chính để thúc đẩy dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường.

Theo ông Huy, tâm lý thị trường hiện đang rất hưng phấn, do đó việc thị trường vượt 1.300 điểm đang được cả thị trường kỳ vọng. Nhưng cũng cần cảnh giác nhất định với việc thị trường thế giới vẫn đang có nhiều biến động. Một trong những yếu tố giúp thị trường tăng giá tốt 2 tuần gần đây là các yếu tố liên thị trường dịu đi, đồng Dollar suy yếu và các quyết định áp thuế được hoãn lại. Tuy nhiên những diễn biến cuối tuần qua cho thấy nhiều khả năng chứng khoán Mỹ sẽ bước vào nhịp điều chỉnh tương đối rõ.

Quán tính giá cũng đồng thuận cho kịch bản vượt 1.300 điểm. Tuy nhiên, việc vượt kháng cực tới từ lực kéo của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thay vì cổ phiếu lớn, theo ông Huy, không hẳn là điều tốt. Cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu đầu cơ dễ được sử dụng đòn bẩy nhằm tạo nên tâm lý hưng phấn, nhưng khi dòng tiền rút ra cũng sẽ rút rất nhanh. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khiến VN30 chững lại là việc giảm tỷ trọng cổ phiếu Ngân hàng xuống 40% trong kỳ cơ cấu sắp tới. Hiện nhóm này vẫn chiếm đến hơn 50% tỷ trọng VN30.

Tóm lại, vị chuyên gia cho rằng việc đối diện kháng cự 1.300 điểm với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giống như việc kéo đoàn tàu qua khúc cua với một động cơ không ổn định, đương nhiên có thể vượt nhưng khó bền. Những nhịp điều chỉnh mạnh và bất ngờ có thể xảy ra và khiến nhà đầu tư mất lãi. Nhà đầu tư có thể tham gia thị trường nhưng với tỷ trọng vừa phải. Thị trường muốn tăng bền và an tâm cần có sự trở lại của nhóm vốn hóa lớn.

Ở một diễn biến khác, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định sự thất bại trong các lần tăng giá trước đến từ việc thiếu vắng sự góp mặt của các nhóm ngành chủ đạo (Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán, Vật liệu Xây dựng...) là những nhóm ngành chịu áp lực bán ròng lớn từ NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường chưa quay lại được mức bình quân giai đoạn 2020-2021.

Tuy xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là đi ngang, song ACBS cho rằng định giá P/E của VN-Index đã giảm xuống sau khi KQKD 2024 được cập nhật.

VN-Index vượt 1.300 điểm, cao nhất gần 1.000 ngày, nhà đầu tư chứng khoán "vỡ oà" sung sướng- Ảnh 2.

Ngoài ra, định giá của các nhóm ngành trụ cột (Ngân hàng, Bất động sản, Vật liệu xây dựng, Chứng khoán...) vẫn đang ở vùng thấp so với năm 2024, trong khi lợi nhuận vẫn duy trì ổn định, đặc biệt là ngành ngân hàng – trụ cột lợi nhuận lớn nhất của VN-Index.

Trong ngắn hạn, thị trường có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng sẽ là cơ hội tích lũy các cổ phiếu chiến lược. " Vùng dao động dự phóng của VN -Index trong 1 tháng tới là 1.220-1.300. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng rằng, triển vọng 2025 tích cực và tiềm năng nâng hạng trong năm nay sẽ là các chất xúc tác hỗ trợ thị trường chinh phục thành công ngưỡng 1.300 trong thời gian tới, và có thể tiến xa hơn về ngưỡng 1.420-1.450 điểm trong năm 2025 ", báo cáo ACBS nêu.