Góc nhìn Người Đưa Tin: Điểm nhấn ngành Xây dựng - Bất động sản năm 2024

Admin

06/01/2025 04:12

Năm 2024, ngành Xây dựng - Bất động sản Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, vượt qua những khó khăn của năm 2023.

1. Tăng trưởng của ngành xây dựng cao nhất từ 2020 đến nay

Bộ Xây dựng cho biết, tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2024 khả quan, ước thực hiện đạt khoảng 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 là 6,4 - 7,3%; tăng so với mức 7,3 - 7,75% của năm 2023. 

Đây cũng là kết quả cao nhất mà ngành xây dựng đạt được kể từ năm 2020 đến nay và trở thành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng đã đạt được một số thành tựu nhất định, tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ đô thị hóa vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024, tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao cho Bộ Xây dựng là 43,7%.

2. Thông qua và đẩy nhanh tiến độ thi hành các bộ luật quan trọng

Quốc hội đã đồng ý thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai với phiếu bầu gần 90%, cho phép 3 luật có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024, sớm 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Trong năm 2024, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã xử lý 191/191 kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 210 dự án BĐS. Qua đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đưa ra giải pháp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản với 210 dự án được tháo gỡ.

Việc tháo gỡ hàng loạt dự án cũng góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, cũng như giúp khôi phục dần niềm tin của nhà đầu tư, bước đầu tác động tích cực đến việc dần phá băng thị trường bất động sản.

3. Không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024

Theo đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn. Dù nỗ lực, các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng chỉ mới hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Điểm nhấn ngành Xây dựng - Bất động sản năm 2024- Ảnh 1.

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn, trong đó số lượng dự án hoàn thành 96 dự án, quy mô 57.652 căn; 133 dự án đã khởi công xây dựng, quy mô 110.217 căn; 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn.

4. Tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng còn hạn chế

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33, đến nay đã có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.

Với việc Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất chỉ thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với mặt bằng chung đối với khoản vay trung, dài hạn, các ngân hàng thương mại là TPBank, VPBank, MBBank, Techcombank và HDBank đã nộp đơn đăng ký tham gia, nâng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 145.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới có 16 dự án được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, dư nợ 1.727 tỷ.

5. Giá trúng đấu giá đất tăng nóng tại nhiều địa phương

Năm 2024, thị trường bất động sản đã chứng kiến những kỷ lục mới về các phiên đấu giá đất và giá trúng đấu giá ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức… với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, các phiên đấu giá đến nửa đêm, mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Không chỉ tại Hà Nội, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng xuất hiện tình trạng "thổi" giá khiến nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Điểm nhấn ngành Xây dựng - Bất động sản năm 2024- Ảnh 2.

Giá trúng đấu giá đất tăng nóng tại nhiều địa phương.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là các hành vi thông đồng, cấu kết để dìm giá hoặc thổi giá, thao túng giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

6. Nguồn cung bất động sản tăng mạnh, hưởng lợi nhờ hoàn thiện chính sách

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ với nguồn cung và giao dịch tăng đột biến so với năm 2023. Đặc biệt, cùng với sự ra mắt rầm rộ các dự án mới, thời gian gần đây, một số dự án "bỏ hoang" cũng được tái khởi động, mang lại nguồn cung dồi dào.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán, miền Bắc dẫn đầu nguồn cung mới với 46%, theo sau là miền Trung với 29% và miền Nam là 25%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 30.589 giao dịch thành công, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cải thiện pháp lý là một trong những động lực quan trọng, giúp các dự án được tháo gỡ được những nút thắt trước đây, được tiếp tục triển khai và hoàn thiện để đưa sản phẩm ra cung ứng cho thị trường.

7. Giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý

Giá bất động sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại các đô thị lớn ghi nhận tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, điển hình về việc tăng giá là phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng mạnh trong năm vừa qua, với mức tăng từ 4 - 6% theo quý và 22 - 25% theo năm đối với các dự án mới. Đặc biệt, giá bán chung cư cũ cũng tăng đáng kể, có nơi tăng tới 35 - 40% so với quý trước.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Điểm nhấn ngành Xây dựng - Bất động sản năm 2024- Ảnh 3.

Giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý.

Theo Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá bất động sản, trong đó, lý do chủ yếu do cung chưa đủ cầu khi nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân là rất lớn.

Một phần nguyên nhân cũng do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới khiến chủ đầu tư bắt buộc phải tăng giá các sản phẩm bất động sản.

Đặc biệt, trên thị trường còn xuất hiện nhiều hiện tượng "tạo giá ảo", "thổi giá" của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.