"Một tỉnh của Trung Quốc, 3 năm làm được 2.000 km đường cao tốc"

06/11/2024 16:07

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ bài học của Trung Quốc về việc thành lập các công ty Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công xong chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân.

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế của đại biểu.

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nói trước hết cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật. "Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển. Đây là tư duy thay đổi rất lớn", ông Dũng nói.

"Một tỉnh của Trung Quốc, 3 năm làm được 2.000 km đường cao tốc"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Media Quốc hội).

Tiếp đến, ông Dũng nhấn mạnh phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

"Kinh nghiệm chúng tôi đi Trung Quốc, một tỉnh của Trung Quốc 3 năm người ta làm được 2.000 km đường cao tốc. Tôi có hỏi một đồng chí bộ trưởng tại sao làm được nhanh thế, tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế.

Các đồng chí nói có 3 vấn đề. Một, có dám vay không. Hai là, có phân cấp mạnh cho địa phương không. Ba là, thành lập các công ty Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công xong chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân, thu hồi vốn đó về và vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân và vốn của Nhà nước đi làm việc khác", ông Dũng chia sẻ.

Phân quyền để tránh nguy cơ sai phạm trong đầu tư công

Bộ trưởng nói rằng, điều này chúng ta phải học tập, tại sao người ta làm được diện tích đường cao tốc lớn nhất thế giới, người ta có 49.000 km đường sắt cao tốc, có 200.000 km đường sắt tốc độ cao. Chúng ta chưa có km nào, nếu chúng ta làm theo quy định như thế sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn.

"Đấy là tinh thần chung của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay cũng đang là như thế. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm quyền anh, quyền tôi, giảm đùn đẩy, né tránh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Nâng quy mô vốn dự án quan trọng lên 30.000 tỷ đồng

Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy mô nền kinh tế hiện đã tăng 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013, mức trượt giá bình quân từ 2020 đến nay là 3%/năm. Dự kiến vòng đời của luật khoảng 5-10 năm.

Vì vậy, nếu giữ quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng thì vài năm nữa sẽ không còn phù hợp. Ông đề nghị quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng.

"Thực tế giai đoạn 2021-2025 Quốc hội quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó 5 dự án trên 30.000 tỷ đồng. Dự kiến 2026-2030 tới đây, sẽ có 30 dự án hơn 30.000 tỷ đồng. Việc xem xét, quyết nghị số lượng lớn dự án trong một nhiệm kỳ Quốc hội là nhiều.

Nếu giảm quy mô xuống 20.000 tỷ đồng thì Quốc hội mất nhiều công trong xem xét, phê duyệt dự án quan trọng quốc gia. Đây cũng là đẩy mạnh tăng phân cấp, phân quyền để Quốc hội tập trung làm các quyết sách lớn của đất nước", Bộ trưởng nói thêm.

Khẳng định việc phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng không trái Hiến pháp, Bộ trưởng khẳng định việc này đảm bảo tính linh hoạt vì việc điều chỉnh dự án diễn ra hàng ngày, hàng tháng, chứ không theo đợt.

"Chính phủ không thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từng dự án, từng tỉnh. Dù mấy tuần Ủy ban Thường vụ họp một lần thì cũng khó. Còn chờ gom vào một lượt để trình lại lỡ việc của địa phương. Chuyện điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng nên phân cấp như dự thảo luật sẽ đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế phát sinh", ông Dũng giải thích.

"Một tỉnh của Trung Quốc, 3 năm làm được 2.000 km đường cao tốc"- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 6/11 (Ảnh: Media Quốc hội).

Cũng có ý kiến không đồng tình phân cấp quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND sang UBND đối với dự án nhóm B và C, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói Điều 17 của luật đã cho phép trong trường hợp cần thiết HĐND có thể giao cho UBND.

"Thực tế đã có 43 tỉnh thực hiện. Vừa rồi Chính phủ lấy ý kiến 63 địa phương thì các tỉnh đều đồng ý", Bộ trưởng nói.

Tuy vậy, ông Dũng nói nghiêm túc tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem phân cấp cho UBND hay giữ nguyên hiện nay, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Phương án có thể là tách và phân cấp theo nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huyện.

Về tách dự án giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy định hiện nay dự án qua 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án.

Giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án, làm trước và song song với thủ tục đầu tư. Khi xong thủ tục đầu tư thì thực hiện được ngay, thay vì xong quyết định đầu tư mới quay sang giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng nói việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng là "cuộc cách mạng". Tuy vậy, ông cho hay mở để phát triển nhưng vẫn cần quản lý chặt chẽ, tránh tràn lan, lãng phí. Vì thế dự thảo luật đưa ra quy định khi tách dự án giải phóng mặt bằng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và phân bổ, huy động vốn.