Ngân hàng Nhà nước nêu khó khăn trong việc xử lý ngân hàng yếu kém

28/05/2024 12:06

Dù đã trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng yếu kém, NHNN cho biết việc tìm kiếm tổ chức tín dụng đủ điều kiện nhận chuyển giao vẫn khó khăn.

OceanBank là một trong 3 ngân hàng yếu kém trong diện chuyển giao bắt buộc. Ảnh: Quang Thắng.

Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có thông tin cập nhật về kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó đề cập tiến độ việc tái cơ cấu 3 ngân hàng mua bắt buộc và 2 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Có phương án xử lý cho từng ngân hàng yếu kém

Theo đó, Thống đốc NHNN cho biết trong năm 2023, nhà điều hành đã triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Cơ quan quản lý này cũng đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng này.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank), NHNN cho biết các nhà băng này vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Thủ tướng...

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần đang tích cực hoàn thiện, triển khai thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Sài Gòn (SCB).

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Cũng tại báo cáo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng xác định vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc về năng lực tài chính, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức yếu kém vẫn còn khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Ngoài ra, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

NHNN cũng cho biết năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ. Cụ thể, các cán bộ này vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.

ngan hang yeu kem anh 1

NHNN cho biết còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Ảnh: Nam Khánh.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo đó, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém, hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

NHNN cũng cho biết sẽ chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước nêu khó khăn trong việc xử lý ngân hàng yếu kém" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.