Kỳ vọng đón “đại bàng” FDI vào Nghệ An nhờ dự án điện khí 2,4 tỷ USD

30/08/2024 08:07

Dự án điện khí LNG 2,4 tỷ USD tại Quỳnh Lập được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm, tạo cú hích về thu hút đầu tư, đặc biệt là những "đại bàng" FDI về với Nghệ An.

Cuộc gặp gỡ tỷ USD

Theo thông tin từ Sở Công Thương Nghệ An, sáng 6/9 tới đây, tại địa điểm Sở Công Thương Nghệ An (địa chỉ số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) sẽ diễn ra buổi tiếp xúc, làm việc giữa đại diện tỉnh Nghệ An với các nhà đầu tư quan tâm dự án Dự án điện khí LNG có tổng mức đầu tư lên tới 2,4 tỷ USD tại xã Quỳnh Lập, Tx.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Nội dung buổi làm việc các bên sẽ có cơ hội tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với nhau. Trong đó, các nhà đầu tư sẽ được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp các thông tin liên quan dự án như quy hoạch, thủ tục đầu tư... và ưu đãi theo đúng theo quy định pháp luật. 

Kỳ vọng đón “đại bàng” FDI vào Nghệ An nhờ dự án điện khí 2,4 tỷ USD- Ảnh 1.

Mô hình dự án điện khí LNG. (Ảnh minh họa).

Theo đó, Dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất 1.500MW, là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, được phê duyệt Quy hoạch điện VIII đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án được thực hiện trên diện tích khoảng 210ha-360ha tại thôn Đồng Minh và thôn Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,4 tỷ USD. Dự án có nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu khí LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.

Tại dự án, dự kiến đầu tư xây dựng các hạng mục như: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ khác.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trước đó, tháng 11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An sau khi xem xét các vấn đề về đóng góp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường, đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện Trung tâm Nhiệt điện than Quỳnh Lập sau thời gian dài không thực hiện.  

Kỳ vọng đón “đại bàng” FDI vào Nghệ An nhờ dự án điện khí 2,4 tỷ USD- Ảnh 2.

Dự án điện khí LNG 2,4 tỷ USD được quyết định thực hiện tại khu vực xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Hình ảnh tư liệu phối cảnh dự án điện than Quỳnh Lập bị hủy bỏ trước đó. (Nguồn: BNA).

Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 975/UBND-CN ngày 8/12/2021 đề nghị Chính phủ cho phép chuyển 2 Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II thành Dự án điện khí LNG và đã được Thủ tướng phê duyệt tại thời điểm đầu năm 2024.

Như vậy, với việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện khí LNG 2,4 tỷ USD - dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay tại đại phương, được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong thu hút đầu tư của Nghệ An trong thời gian tới. 

Kỳ vọng đón "đại bàng" FDI

Trong bức tranh thu hút đầu tư, đặc biệt ở lĩnh vực thu hút vốn FDI, Nghệ An được biết tới như một "gã khổng lồ say ngủ" của khu vực Bắc Trung Bộ.

Mặc dù được biết tới là thủ phủ của khu vực Bắc Trung bộ, nhưng từ trước năm 2015, thu hút FDI của Nghệ An cực kỳ khiêm tốn, gần như là con số "0" tròn trĩnh. Trong khi 2 địa phương hàng xóm lân cận là Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã tranh thủ bứt phá, tạo một khoảng cách rất xa với hàng chục tỷ USD vốn FDI tích góp đều đặn đổ về. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, với hướng đi đúng đắn, Nghệ An như "choàng tỉnh sau cơn say ngủ" và đang dần trở thành "đầu tàu" của khu vực với sự bứt phá nhanh chóng về thu hút FDI.

Kỳ vọng đón “đại bàng” FDI vào Nghệ An nhờ dự án điện khí 2,4 tỷ USD- Ảnh 3.

Các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp lớn như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt... đã và đang đầu tư rất thành công tại Nghệ An với các kế hoạch mở rộng liên tục phạm vi hoạt động.

Theo đó, trong 2 năm trở lại đây, Nghệ An đã thực sự vươn lên trở thành điểm sáng, điển hình thu hút vốn FDI của khu vực Bắc miền Trung và cả nước. 

Từ mốc số "0", trong các năm 2022, 2023, Nghệ An liên tiếp lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước và đứng đầu tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Trong năm 2022 và 2023, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh Nghệ An thu hút được lần lượt là 953,22 triệu USD và 1,6 tỷ USD - lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn từ 2019 tới hết năm 2023, Nghệ An thu hút được khoảng 4 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Nghệ An cũng đã thu hút được hơn 500 triệu USD từ các dự án đăng ký mới và điều chỉnh.

Đáng chú ý, ngoài số lượng vốn ghi nhận, nguồn vốn FDI tại Nghệ An được đánh giá rất cao về chất lượng với nhiều lĩnh vực công nghệ cao, mang tính bền vững như: sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến, cơ khí, chế tạo, đầu tư xây dựng hạ tầng... được đầu tư bởi các tập đoàn lớn, uy tín như: Tập đoàn Foxconn – đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple; Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology, Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam...  Mới đây nhất, Tập đoàn Goertek đã quyết định điều chỉnh mức đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD, trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI lớn nhất Nghệ An. 

Đây là những con số minh chứng rõ nhất cho sự nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với những thành quả bước đầu kể trên, khát vọng đón "đại bàng" FDI như Thanh Hoá và Hà Tĩnh luôn ấp ủ với Nghệ An, vì vậy, dự án điện khí LNG nói trên được kỳ vọng tạo "bước nhảy" để Nghệ An đón các "đại bàng" tỷ đô.

Trở lại với dự án LNG Quỳnh Lập, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, tương tự như dự án điện khí LNG đang sắp sửa triển khai tại Thanh Hóa. Đây là loại hình công nghiệp năng lượng được cho là thân thiện với môi trường hơn nhiều so với mô hình điện than gần như đã được "khai tử" trong thời gian gần đây. 

Kỳ vọng đón “đại bàng” FDI vào Nghệ An nhờ dự án điện khí 2,4 tỷ USD- Ảnh 4.

Việc vận dụng Nghị quyết 39 trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 26 một cách chủ động, sáng tạo từ đó đưa ra cách làm hay, "đúng và trúng" đã và đang giúp Nghệ An vươn lên lọt top đầu các tỉnh thu hút đầu tư FDI của cả nước.

Tuy nhiên, điện khí LNG cũng được xem là một trong những "công nghệ lõi" nên việc đầu tư thực hiện dự án đòi hỏi lượng vốn lớn, cùng với kỹ thuật xây dựng vận hành tinh vi, được áp dụng nhiều kỹ thuật khoa học tiên tiến. 

Tại dự án điện khí LNG Nghi Sơn Thanh Hóa, các thủ tục đầu tư đang triển khai, bước đầu có hiệu quả với sự tham gia của 4 "đại bàng" FDI trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng toàn cầu đã nộp hồ sơ và cạnh tranh khốc liệt. 

Vì vậy, với nhiều sự tương đồng cùng vị thế, uy tín thu hút đầu tư FDI của Nghệ An trong thời gian qua, nhiều khả năng, Dự án điện khí LNG Quỳnh Lập cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thực hiện dự án. Nếu thuận lợi, Dự án điện khí LNG Quỳnh Lập sẽ đóng góp thêm 2,4 tỷ USD thu hút FDI cho địa phương và kỳ vọng sẽ mở ra chương mới về thu hút "đại bàng" FDI về với Nghệ An trong thời gian tới.

Hà Hằng - Việt Phương